Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – Mã: VPB) đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội dự kiến được tổ chức vào ngày 29/4 tại Hà Nội.
Sau năm 2023 không đạt được mục tiêu đã đề ra, sang năm 2024, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm trước.
Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi năm 2023, Chủ tịch VPBank Ngô Trí Dũng vẫn được nhận mức thù lao 3,36 tỷ đồng. Con số thu nhập này không thay đổi so với năm 2022; tương ứng mỗi tháng năm 2023 ông Dũng nhận về 280 triệu đồng.
Cũng trong năm ngoái hai phó chủ tịch khác của VPBank là ông Bùi Hải Quân và ông Lô Bằng Giang cùng nhận được mức thù lao 3,12 tỷ đồng/người không thay đổi so với năm 2022. Tính theo tháng, mức thù lao của hai vị lãnh đạo này nhận được là 260 triệu đồng/người. Trong HĐQT, ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên) không không thống kê mức thù lao. Ông Nguyễn Đức Vinh đang đương nhiệm chức Tổng Giám đốc VPBank.
Bên cạnh đó, VPBank cũng chi tổng tiền lương và phụ cấp cho Ban Tổng giám đốc năm qua là 57,428 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái (57,7 tỷ đồng). VPBank không công bố chi tiết mức lương của các thành viên Ban Tổng giám đốc. Nếu tính trung bình, mỗi người trong Ban Tổng giám đốc nhận lương và phụ cấp khoảng 6,3 tỷ đồng/năm.
Về phía cán bộ nhân viên VPBank, năm qua tổng quỹ lương cho 27.042 nhân viên là 7.615 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập bình quân 24,66 triệu đồng/tháng.
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng tài sản VPBank dự kiến tăng 19% lên 974.270 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 898.350 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến tiến thêm 22%, lên 598.864 tỷ đồng. Tiền gửi của ngân hàng mẹ là 572.436 tỷ đồng còn của FE Credit là 26.248 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VPBank ở mức 2,95%.
Để đạt được mục tiêu trên, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Đây có thể xem như một kế hoạch bứt tốc của ngân hàng này trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm trước đó chịu ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường kinh tế vĩ mô thiếu thuận lợi.
Bên cạnh một mục tiêu tham vọng, VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, trong quý II hoặc quý III/2024, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.