Buổi gặp mặt có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên: Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; Thứ trưởng Bộ Nội vụ và hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo Hội, đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh: “Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam được thành lập từ năm 2013. Mặc dù mới trải qua hơn 10 năm hoạt động, nhưng tới nay Hội đã phát triển ngày càng sâu rộng; đạt được nhiều thành tích quan trọng, toàn diện, khẳng định vị thế của Hội – ngôi nhà chung gắn kết doanh nhân chúng ta. Công sức làm nên thành tích và uy tín của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam trước hết thuộc về những doanh nhân đang ngày đêm trăn trở đổi mới, sáng tạo; vượt qua mọi thử thách, khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển đất nước.
Đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Chúng ta cũng đã có những doanh nhân lọt vào nhóm các “tỷ phú USD”. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp sáng tạo thành công với nhiều mô hình kinh doanh mới”.
Trong không khí thân tình của buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều tự hào khi doanh nhân không chỉ nhạy bén tiếp thu, thích ứng với những đổi mới nhanh chóng của thời đại mà còn nghiên cứu, dự báo chính xác, đi tắt đón đầu, tiến tới làm chủ những tiến bộ khoa học quản trị tiên tiến, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ lượng tử, công nghệ xanh và những công nghệ đột phá mới, để ứng dụng có hiệu quả vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội đất nước.
Lực lượng doanh nhân cũng đang tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng lao động toàn cầu, có năng lực làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, góp phần quan trọng đổi mới căn bản lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất nhằm đáp ứng đòi hỏi tất yếu, khách quan của Kỷ nguyên mới.
“Có thể nói, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng chính là kỷ nguyên vươn mình của doanh nhân nói chung và của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chúng ta nói riêng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đang nghiêm túc chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc nhiệm kỳ III. Ban Chấp hành trung ương Hội xác định, Đại hội nhiệm kỳ III phải là Đại hội của đổi mới và phát triển, đáp ứng những yêu cầu lớn lao của kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Do đó, công tác chuẩn bị đã và đang được thực hiện một cách khẩn trương, khoa học, nghiêm túc, bài bản. Tham gia Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới phải là những doanh nhân có khát vọng và trí tuệ, năng lực ngang tầm yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới; phải đủ tâm – tầm – tài để đảm nhận được vai trò, nhiệm vụ chính trị của Hội, tập hợp và đồng hành cùng doanh nhân bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như thông điệp lớn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước.
“Gala là dịp tôn vinh những đóng góp to lớn của doanh nhân đối với sự phát triển của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, đặc biệt đã góp phần làm nên sứ mệnh, vai trò lớn lao của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như Nghị quyết 10, Hội nghị Trung 5 Khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và gần đây là Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh.
Gala đêm nay cũng là dịp doanh nhân chúng ta gặp gỡ, gia tăng cơ hội giao lưu, hợp tác, tạo nên sức mạnh chung của đội ngũ những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận kinh tế, những con người tràn đầy lòng yêu nước, mang trong mình hoài bão lớn, ý chí tự lực, tự cường, khao khát sáng tạo và cống hiến, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho quê hương đất nước”, Người đứng đầu Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nói.
Chia sẻ tại Gala, ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, vui mừng và tự hào khi tập thể Hội đã được yết kiến Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới khu vực doanh nghiệp tư nhân – những người đóng góp tới 60% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
“Nhờ hiệu quả của các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 28,32 tỷ USD, tăng 6,19% so với cùng kỳ 2023, ngành dệt may đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu của năm nay.
Tuy nhiên, các con số trên đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành dệt may nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nói chung. Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, cộng đồng doanh nhân tư nhân cùng hiến kế, chung tay xây dựng, phát triển nền kinh tế nước nhà bền vững trong bối cảnh thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên mới”, ông Phạm Văn Việt nói.
Tham gia đóng góp ý kiến để thúc đẩy sự phát triển du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Tập đoàn Vietravel chia sẻ: “Hiện nay, du lịch Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên so với thị trường nội địa tiềm năng với 75-80 triệu lượt khách dự kiến trong năm 2026 thì chưa thật sự khai thác hết những cơ hội mà ngành đang có”.
Hiện nay, có nhiều thách thức mà ngành du lịch gặp phải như sự cạnh tranh gay gắt từ ngành du lịch của các nước khác, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và tác động từ du lịch đến môi trường như gây ô nhiễm nước, không khí, rác thải, sự xâm lấn, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
Từ thực tế đó, đại diện Vietravel đã đề xuất một số ý kiến về sự liên kết giữa địa phương, du lịch và hàng không tại Việt Nam. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng giữa các địa phương; sự phối hợp giữa doanh nghiệp và hãng hàng không để quảng bá địa điểm, sản phẩm du lịch; các chương trình kích cầu…
“Khi các địa phương cùng bắt tay với ngành du lịch và hàng không, chúng ta xây dựng một hệ sinh thái du lịch hài hòa và bền vững, nâng cao trải nghiệm của du khách, đồng thời những giá trị thiên nhiên và văn hóa quý báu được bảo tồn cho thế hệ mai sau. Cùng với sự gắn kết này, hình ảnh Việt Nam sẽ tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới, trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn mang đậm tính nhân văn và bền vững”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.
Tham gia đóng góp tại buổi gặp mặt, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh cũng đưa ra một vài kiến nghị để các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng phát triển hơn trong thời gian tới.
“Kiến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách đầu tư ổn định cho các cụm công nghiệp làng nghề, nhà máy nông nghiệp, và đặc biệt là đảm bảo các quy định về thuế, phí mang tính ổn định, bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, bởi Việt Nam là “dạ dày của thế giới”, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hỗ trợ thủ tục vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chúng tôi tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tài chính.
Quy hoạch đất đai ổn định cho nông nghiệp hữu cơ, nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đề nghị duy trì và phát triển các nguồn lực tri thức trong lĩnh vực nông nghiệp, tránh tình trạng các dự án nghiên cứu bị đứt gãy, gián đoạn”, bà Hiếu đề xuất.
Kết thúc Gala, Chủ tịch Nguyễn Trọng Điều đã trao quà kỷ niệm cho các đơn vị hội viên, các doanh nhân tiêu biểu tham dự Gala doanh nhân.