Trong bài phát biểu Tiên phong tạo tác động toàn cầu, diễn giả GS TS Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead tại Đại học Columbia đã tập trung vào thảo luận vai trò của phụ nữ trong việc tạo ra một xã hội bền vững hơn. Bà nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hỗ trợ của nữ giới, sức mạnh của sự hợp tác trong mạng lưới dành cho phụ nữ cùng nhau đạt tới những mục tiêu cá nhân và sự nghiệp.
Có những thách thức chung mà phụ nữ phải đối mặt trong kinh doanh, từ việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, đến việc đối phó với định kiến giới tính và thiếu cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, thế hệ lãnh đạo nữ tương lai có thể vượt qua các rào cản này bằng cách xây dựng mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, tìm kiếm cơ hội học hỏi và phát triển kỹ năng lãnh đạo.
Trong phiên thảo luận Phụ nữ trong kinh doanh: Thách thức và thành tựu, các diễn giả chia sẻ về cách họ sử dụng sức mạnh uyển chuyển của cá nhân để nắm bắt các cơ hội kinh doanh, điều hành doanh nghiệp và thể hiện tư duy của người dẫn dắt, đặc biệt trong bối cảnh có những biến động lớn hiện nay.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc tài chính CTCP Hàng không Vietjet chia sẻ: “Thách thức lớn nhất mà người làm tài chính đã phải đối mặt là giúp cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Tôi đã hỗ trợ công ty vượt qua nhiều thử thách, nhưng hình ảnh vắng vẻ trong sân bay là ký ức không thể quên”.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng “mỗi cuộc khủng hoảng đều ẩn chứa cơ hội”. Nhờ đó, Vietjet đã phát triển thêm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hệ thống giao hàng nhanh thông qua thương mại điện tử, triển khai cổng trung gian thanh toán, ví điện tử trong công tác bán vé, triển khai phần mềm quản trị doanh nghiệp SAP. Sau đại dịch, Vietjet đã phục hồi và trở thành một trong những hãng hàng không có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
Tại Vietjet, có 40% lãnh đạo cấp cao là phụ nữ, điều này không có sự phân biệt hay kiên định giới tính. Theo quan điểm của bà Phương, phong cách riêng của nhà dẫn dắt cũng giống như một “danh thiếp” trong thế giới hợp tác của xã hội hiện đại. Đó là cách tiếp cận, phương pháp, kỹ thuật mà mỗi người có thể xây dựng cho chính mình để thể hiện mình tốt nhất ở bất kỳ tình huống nào trong thế giới cạnh tranh hiện nay.
Trong phần chia sẻ của mình, bà Crystal Thảo Lâm, Giám đốc điều hành Vinawood LTD, trải qua nhiều khoảnh khắc trong công việc, cuộc sống, gặp được nhiều người giỏi, bà đã rút ra được nhiều bài học, đặc biệt là cách “dùng” và “tin” người. “Ở vai trò lãnh đạo, việc mình nhìn đúng người, giao đúng việc và đặt niềm tin vào họ lớn đến mức họ còn chưa tin họ nhưng mình đã tin vào họ. Đó là bài học đầu tiên của mình về làm lãnh đạo”.
Đồng thời, theo bà Lâm, việc học là không có điểm dừng. “Việc giúp mình vượt qua khó khăn khi đảm nhiệm một công việc mới là đi học lại. Mình không cho rằng đã có kinh nghiệm trong các tổ chức giáo dục khác để áp vào các bạn, mà mình học lại các bạn từ đầu. Mình giữ lại những cái tốt để tiếp nối, thêm vào những cái mới. Chọn sự tập trung và kiên định với sự tập trung đó. Và điều này đã mang đến những thành công nhất định cho doanh nghiệp”.
Tại phiên thảo luận Phụ nữ thúc đẩy tiến bộ, các nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp như L’Oréal Vietnam, CTCP Công nghệ MISA… cũng đã nêu bật cách thức họ đang thực hiện để thúc đẩy sự thay đổi, thiết lập các tiêu chuẩn mới trong các ngành nghề, cũng như những chiến lược đã được thực thi góp phần tạo nên một môi trường chuyên nghiệp công bằng hơn về giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Forbes Việt Nam đã trao kỉ niệm chương cho 10 CEO thế hệ nữ kế tiếp.