Theo tờ trình được ký bởi Chủ tịch HĐQT Eximbank Nguyễn Cảnh Anh, tại văn bản kiến nghị đề ngày 29/10/2024, nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần ngân hàng đã kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên BKS đối với ông Ngo Tony.
Lý do được nhóm cổ đông đưa ra là vì ông Ngo Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Ngân hàng Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông.
Ông Ngo Tony sinh năm 1971, có trình độ Cử nhân Hóa phân tích tại Trường Đại học Huế; Thạc sỹ Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Norwich University (Mỹ); Thạc sỹ Tài chính đầu tư – Trường Đại học Northeastern (Mỹ).
Trước khi trở thành Trưởng Ban kiểm soát Eximbank, ông Ngo Tony từng là đảm nhiệm vị trí cấp cao tại nhiều doanh nghiệp, như: Giám đốc kinh doanh của Nestle Việt Nam (2002-2005), Giám đốc điều hành tại Elite Business Services, Cố vấn chiến lược tại Adpharco, hay Giám đốc chiến lược tại Davipharm. Ông cũng từng là chuyên gia cao cấp tại Công ty TNHH Affan Enterprise và Công ty TNHH EZ Accountancy từ tháng 3/2018 – 11/2021.
Ông Ngo Tony được bầu làm Trưởng BKS Eximbank vào tháng 2/2022 và hiện không sở hữu cổ phiếu EIB.
Cuối tháng 10 vừa qua, bà Trần Thị Thanh Nhã, vợ của ông Ngo Tony – Trưởng Ban kiểm soát Eximbank đã có đăng ký giao dịch cổ phiếu EIB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.
Từ ngày 30/10 – 8/11/2024, bà Trần Thị Thanh Nhã đăng ký bán khớp lệnh toàn bộ 123.298 cổ phiếu EIB đang sở hữu. Mục đích thực hiện giao dịch là nhằm “bán thu hồi vốn”.
Trong tài liệu Đại hội công bố trước đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ bất thường việc dời trụ sở chính của Eximbank. Trụ sở chính hiện nay của Eximbank đặt tại tầng 8, tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM. HĐQT Eximbank đề xuất thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính sang địa điểm mới là số 27 – 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Việc chuyển trụ sở chính ra quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, theo Eximbank, là bước đi chiến lược để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động và không ngừng vươn xa, nhằm đáp ứng sự vận động thay đổi của thị trường cũng như giúp thực thi chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2024, Eximbank ghi nhận khoản lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 265% so với cùng kỳ năm trước, đạt 282 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 181%, mang về 89 tỷ đồng. Nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần ghi nhận đạt 1.536 tỷ đồng, tăng 77% so với năm ngoái.
Dù chi phí hoạt động tăng 14% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 19% lần lượt là 864 tỷ đồng và 201 tỷ đồng, Eximbank vẫn thu về khoản lãi trước thuế đột biến quý 3/2024 đạt 903 tỷ đồng, tăng tới 104% so với quý III năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Eximbank đã thu về 2.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, năm 2024 ngân hàng này đặt mục tiêu lãi ở mức 5.180 tỷ đồng, do vậy, Eximbank mới hoàn thành được 46% mục tiêu đặt ra sau 3/4 năm tài chính.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Eximbank đạt gần 223.700 tỷ đồng, mở rộng 11% so với hồi cuối năm ngoái. Trong đó, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân đạt 167.603 tỷ đồng, tăng 7%. Dư nợ cho vay đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 14%.
Tiền gửi tại NHNN giảm xuống còn 2.546 tỷ đồng, tương ứng giảm 37% so với đầu năm. Ngược lại, tiền vay NHNN tăng đột biến lên 1.533 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có gần 20 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 9 là 4.318 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tăng mạnh nhất tại nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lên 2.825 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 2,65% đầu năm lên mức 2,71%.