Trong đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953) cho biết vì tuổi tác, sức khoẻ và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.
Ông Nguyễn Trọng Thông, đồng thời là nhà sáng lập Hà Đô, cho rằng HĐQT tập đoàn sẽ có chút lo lắng sự từ nhiệm này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty.
Do đó, dù không còn tham gia vào HĐQT, nhưng vì trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư, ông có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho hoạt động của HĐQT sau khi chuyển giao với vai trò là “Chủ tịch sáng lập” để giúp đỡ HĐQT hoạt động ổn định, đảm bảo vốn đầu tư của cổ đông tiếp tục hiệu quả.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới đây, ông Thông cũng đã đề cập đến mong muốn chuyển giao việc nắm quyền bền vững cho thế hệ sau.
Theo bản giới thiệu ông Nguyễn Trọng Thông trong Báo cáo quản trị năm 2023, ông Thông có ba người con là Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Trọng Thùy Vân và Nguyễn Trọng Vân Hà. Trong đó, ông Nguyễn Trọng Minh đang là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tại Tập đoàn Hà Đô.
Ông Nguyễn Trọng Minh (sinh năm 1987) đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tập đoàn Hà Đô như Phó trưởng phòng Tài chính, trợ lý Chủ tịch HĐQT. Trong đó, ông Minh có trình độ cử nhân Tài chính và Quản trị kinh doanh tại Đại học Hamiline – Hoa Kỳ.
Tại Hà Đô, ông Thông hiện sử hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG (tương đương 31,83% vốn). Với giá cổ phiếu HDG đang giao dịch quanh mức 28.000 đồng/cổ phiếu, ước tính số cổ phiếu ông Thông nắm giữ có giá trị hơn 2.750 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 847,8 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 264,34 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 60,2%, về 51,7%.
Năm 2024, Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 0,2% và 12% so với năm 2023.
Trong đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về sản xuất năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) đạt công suất 1.000 MW vào năm 2029. Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư nhà máy nước sạch quy mô khoảng 100.000-150.000 m3/ngày đêm cho sinh hoạt và khu công nghiệp.
Về lĩnh vực bất động sản, tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư và khai thác các dự án như Hado Charm Villas, CC3 Dịch Vọng, Linh Trung… đồng thời đẩy mạnh M&A các dự án bất động sản, chuẩn bị kỹ các thủ tục đầu tư các dự án năng lượng mới.
Đặc biệt, Hà Đô còn có kế hoạch đẩy mạnh mảng đầu tư tài chính, với việc thành lập bộ phận kinh doanh chuyên biệt cho mảng này.
Tập đoàn Hà Đô được thành lập vào năm 1990, tiền thân là Xí nghiệp xây dựng trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng). Hiện, doanh nghiệp được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM.