Ngày 23/6, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo và ông Phạm Xuân Tình, Người đại diện pháp luật, Tổng giám đốc Công ty Asanzo về tội Trốn thuế.
Cơ quan điều tra xác định ông Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký các hợp đồng nguyên tắc, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của CTCP Tập đoàn Asanzo và sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp hơn 15,7 tỷ đồng.
Ông Tam từng tham gia Shark Tank Việt Nam
Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980, thành lập Tập đoàn Asanzo từ cuối năm 2013 với sản phẩm đầu tiên là tivi, sau này mở rộng thêm các ngành hàng điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng…
Tuy nhiên, tivi vẫn luôn là sản phẩm chủ lực của thương hiệu này, với thị trường chính tại các vùng nông thôn và đặc biệt là các nhà nghỉ, khách sạn…
Với lợi thế giá rẻ và mang danh thương hiệu Việt, tivi Asanzo phủ sóng một cách thần tốc trên thị trường nội địa. Đến giữa năm 2019, công ty nghiên cứu thị trường GfK đã ghi nhận Asanzo đứng đầu mảng tivi “made in Vietnam” với thị phần 16%, chỉ đứng sau những ông lớn quốc tế như Samsung, Sony, LG.
Nhờ đó, ông Tam cũng trở thành hình mẫu thành công trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, đến năm 2019 khi trở thành một trong các “cá mập” tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông chủ Asanzo càng được biết đến rộng rãi hơn. Vị này cũng ra mắt quỹ khởi nghiệp với số vốn ban đầu 200 tỷ đồng để hỗ trợ các startup.
Tuy nhiên, giữa lúc thương hiệu Asanzo và tên tuổi ông Tam đang nổi bật trong giới kinh doanh, thị trường và người tiêu dùng bắt đầu đặt nghi vấn về sản phẩm Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”.
Lãnh đạo Asanzo vì vậy không còn tham gia Shark Tank Việt Nam. Nhiều nhà bán lẻ trong nước như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim cũng ra chính sách thu hồi và đổi trả sản phẩm của Asanzo.
Thời điểm đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành xác minh và làm rõ. Đến cuối tháng 10/2019, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan cho biết đã xác định dấu hiệu vi phạm của công ty do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch trong việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và trốn thuế.
Đến ngày 16/10/2019, Cục Thuế TP HCM cũng ra quyết định về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến Tập đoàn Asanzo.
Theo cơ quan thuế, Asanzo có nhiều hành vi nhằm trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng có nhiều tình tiết tăng nặng như vi phạm hành chính nhiều lần, có hành vi trốn tránh và che giấu vi phạm hành chính, vi phạm hành chính có số lượng lớn hoặc giá trị lớn…
Trong hồ sơ chuyển giao cho PC03, Cục Thuế TP HCM cho biết căn cứ vào sổ sách kế toán và chứng từ, hóa đơn do Asanzo cung cấp, tập đoàn này đã có nhiều giao dịch mua – bán hàng hóa với các công ty liên quan mà không xuất hóa đơn, để ngoài sổ sách kế toán các khoản thu bán hàng. Asanzo cũng bị xác định không khai thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với các sản phẩm hàng hóa.
Cũng theo cơ quan thuế, không những khai thuế VAT đầu ra và VAT đầu vào khấu trừ không đúng quy định, doanh nghiệp này cũng vi phạm về việc kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng không khấu trừ, kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định; không xuất hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ…
Đặc biệt, cơ quan thuế xác định Tập đoàn Asanzo có hành vi sử dụng hóa đơn đầu vào có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế. Sau các giao dịch, bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Tam) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo đã rút ra tổng số tiền hơn 507 tỷ đồng.
Ông Tam đang lãnh đạo doanh nghiệp nào?
Trước đó, thị trường bất ngờ trước thông tin ông Tam khẳng định đã thoái vốn khỏi Asanzo và hoàn toàn chuyển giao cho lãnh đạo mới từ năm 2017.
Sau thông báo rút vốn khỏi Asanzo, năm 2020, ông Phạm Văn Tam thành lập Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan và đảm nhiệm vị trí chủ tịch, hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Winsan có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Trong đó, ông Tam góp 285 tỷ đồng, chiếm 95% vốn điều lệ Winsan, còn lại bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng.
Nguồn lực ban đầu dự kiến 1.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian sau đó. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ, điện tử. Danh mục đầu tư của Winsan ở nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát…
Ngoài việc rót vốn, Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, chuyên gia đầu ngành để đảm nhận các vị trí cấp cao, hỗ trợ các công ty này bứt phá trên cuộc đua cạnh tranh, giảm tỷ lệ thất bại.
Tuy nhiên, hiện nay trang web của Winsan không hề có dấu hiệu hoạt động. Tin tức mới nhất được đăng tải trên trang chủ của Winsan là vào cuối tháng 12/2021 về việc cảnh báo lừa đảo.
Đến năm 2021, ông Tam tuyên bố cùng một nhóm nhà đầu tư thực hiện dự án 5 trang trại nuôi bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An với quy mô vốn lên đến 2.000 tỷ đồng. Ông Tam còn cho ra mắt sản phẩm phân hữu cơ thương hiệu Ba Con Bò được sản xuất từ quy trình khép kín và rất tự tin vào dự án này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, phía Công ty T&T 159 – nhà sản xuất phân bón Ba con bò đã phản bác và khẳng định chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào của ông Tam. Lãnh đạo T&T 159 cho biết ông Tam và nhóm nhà đầu tư chỉ độc quyền phân phối sản phẩm của thương hiệu này vào thị trường miền Nam. Sau đó, ít thấy ông Tam đề cập đến sản phẩm này nữa…