Theo Hải Phát, ông Nguyễn Mạnh Tiến đã có đơn xin từ nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 16/8/2024. Ông Tiến giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ban kinh tế kế hoạch và trợ lý Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp này.
Trong đơn từ nhiệm, ông Tiến cho biết dù ở bất kỳ cương vị nào đều cố gắng hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và quy định quản lý nội bộ của doanh nghiệp để góp phần thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chung của toàn công ty. Vì lý do cá nhân nên ông xin được từ nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1966, mới được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc Hải Phát từ ngày 2/4/2024 thay cho ông Đỗ Quý Thành. Như vậy, ông Tiến chỉ đảm nhận vị trí hơn 4 tháng trước khi nộp đơn rút khỏi doanh nghiệp này.
Đây không phải là biến động nhân sự cấp cao duy nhất của Hải Phát trong thời gian gần đây. Vào ngày 19/4, Hải Phát nhận được đơn từ nhiệm của các thành viên HĐQT Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT Lã Quốc Đạt và Trưởng Ban kiểm soát Bùi Đức Tuế.
Đầu tháng 5/2024, Tổng Giám đốc Đoàn Hoà Thuận cũng xin từ nhiệm với lý do cá nhân. Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch HĐQT Hải Phát được bổ nhiệm vào vị trí ông Đoàn Hòa Thuận để lại.
Về tình hình kinh doanh, Hải Phát cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt hơn 331 tỷ đồng, giảm 56% và lợi nhuận sau thuế hơn 31 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do doanh thu kinh doanh bất động sản giảm mạnh từ gần 708 tỷ đồng về còn 293 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng cho biết số lượng sản phẩm bàn giao cho khách hàng để hạch toán doanh thu quý II giảm, cùng với một số chi phí cố định không thay đổi dẫn tới lợi nhuận giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 655 tỷ đồng, giảm 27% và lợi nhuận sau thuế hơn 47 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 23% kế hoạch doanh thu và 45% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản của công ty tại ngày 30/6/2024 hơn 8.460 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm, chủ yếu là tăng các khoản phải thu với các bên liên quan. Hàng tồn kho ghi nhận giảm 7%, ghi nhận hơn 2.756 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với hơn 2.176 tỷ đồng, còn lại là bất động sản thành phẩm.
Tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest tại cuối quý II gần 4.838 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay (vay ngân hàng và phát hành trái phiếu) ở mức 2.637 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Riêng dư nợ trái phiếu còn hơn 1.400 tỷ đồng.