Trong giai đoạn thị trường diễn biến khả quan từ đầu năm, nhà đầu tư cũng quan tâm về mức lương ban tổng giám đốc (TGĐ), thù lao hội đồng quả trị (HĐQT) các công ty chứng khoán. Báo cáo tài chính bán niên soát xét do các công ty chứng khoán công bố mới đây đã hé lộ rõ hơn những con số này.
Mặt bằng chung cho thấy lương, thù lao ngành chứng khoán tương đương với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các trường hợp đi ngang hoặc tăng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các công ty do sự khác nhau về quy mô hoạt động, vốn hay hiệu quả kinh doanh. Nhân sự khối tư nhân trong nước có thu nhập cao hơn các đơn vị cùng ngành là công ty con ngân hàng, hay công ty chứng khoán nước ngoài.
Chứng khoán SSI ghi nhận thù lao HĐQT, ban TGĐ và những người quản lý khác gần 9,3 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thù lao HĐQT đi ngang ở 1,4 tỷ đồng. Tại SSI, HĐQT gồm 6 người, trong đó ông Nguyễn Duy Hưng là Chủ tịch. Ban TGĐ gồm ông Nguyễn Hồng Nam (Thành viên HĐQT kiêm CEO) và ông Nguyễn Đức Thông (Phó TGĐ).
Báo cáo của VNDirect gộp chung lương thưởng, thù lao của HĐQT, ban TGĐ, Ban kiểm soát là 11,6 tỷ đồng, cao hơn 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
HĐQT VNDirect hiện gồm 5 người: bà Phạm Minh Hương (Chủ tịch), ông Vũ Hiền, ông Nguyễn Vũ Long (kiêm CEO), ông Mai Hữu Đạt, ông Vũ Việt Anh. Ban TGĐ gồm ông Nguyễn Vũ Long và ông Điêu Ngọc Tuấn.
Chứng khoán Rồng Việt (VDS) có biến động thù lao HĐQT, lương Ban Tổng Giám đốc lớn nhất, với số tiền từ 4,4 tỷ đồng cùng kỳ tăng lên 9,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, báo cáo soát xét không nêu chi tiết của từng cá nhân.
CEO HSC nhận lương cao nhất ngành chứng khoán
Một số tổng giám đốc (CEO) đạt lương 10 chữ số (1 tỷ đồng trở lên) sau nửa đầu năm.
CEO HSC Trịnh Hoài Giang tiếp tục nhận lương 4,8 tỷ đồng như cùng kỳ. Với bình quân 800 triệu đồng mỗi tháng, ông Giang giữ vững vị trí CEO được trả lương cao nhất ngành chứng khoán.
Tổng lương, thu nhập lãnh đạo cấp cao tại Vietcap (VCI) duy trì 4,4 tỷ đồng như cùng kỳ. Trong đó, 88% là lương ban TGĐ. Cụ thể, ông Tô Hải (CEO) và hai thành viên ban TGĐ nhận 1,25 – 1,37 tỷ đồng trong 6 tháng (bình quân 208-228 triệu đồng/tháng/người). Trong đó ông Tô Hải cao nhất với 1,37 tỷ đồng.
Tại DNSE, CEO Phạm Thị Thanh Hoa được trả lương 922 triệu đồng (tương đương khoảng 154 triệu đồng/tháng). Giám đốc chi nhánh TP HCM Phan Nguyễn Hữu Phương (bổ nhiệm từ 13/3) nhận gần 616 triệu đồng, ông Lê Anh Tuấn (miễn nhiệm Giám đốc chi nhánh TP HCM từ 13/3) nhận hơn 508 triệu đồng.
Ban TGĐ MBS (gồm ông CEO Phan Phương Anh và 4 thành viên) nhận lương tổng cộng 4,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Báo cáo tài chính không nêu chi tiết mỗi cá nhân.
Căn cứ báo cáo tài chính của Chứng khoán Tiên Phong (ORS), lương ban TGĐ TPS đạt khoảng 2,9 tỷ đồng (sau khi lấy tổng lương, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát và ban TGĐ trừ đi phần của HĐQT và Ban kiểm soát). Trường hợp này tương tự VPBankS. Với chỉ gồm bà Bùi Thị Thanh Trà (CEO) và ông Nguyễn Văn An, dự đoán một hoặc cả hai thành viên ban TGĐ thu về lương 10 chữ số.
Tại Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), ông Nguyễn Chí Thành, CEO được bổ nhiệm từ 25/3, nhận lương gần 2,1 tỷ đồng (tương đương hơn 342 triệu đồng/tháng). Cựu CEO Vũ Đức Tiến (miễn nhiệm ngày 25/3, vẫn làm Thành viên HĐQT) được trả 1,7 tỷ đồng (tương đương gần 290 triệu đồng/tháng).
Tại VIX, CEO Trương Ngọc Lân thu về 1,6 tỷ đồng (tương đương 267 triệu đồng/tháng), song đã giảm 14% so với cùng kỳ. Ông Lân còn nhận thù lao 60 triệu đồng trong vai trò Thành viên HĐQT.
Trái chiều thù lao chủ tịch HĐQT
Trong khi đó, số tiền thù lao HĐQT chứng kiến sự phân hóa, khi một số lãnh đạo thu tiền tỷ, ngược lại có trường hợp 0 đồng.
Chủ tịch HĐQT HSC là ông Johan Nyvene có thù lao 1,5 tỷ đồng (tương đương 247 triệu đồng/tháng). 6 thành viên HĐQT còn lại được trả thù lao từ 153 triệu đồng đến 386 triệu đồng (25,5 – 64,4 triệu đồng/tháng).
SHS ghi nhận lương/thu nhập của 11 lãnh đạo chủ chốt 9,3 tỷ đồng, cao hơn 8% so với cùng kỳ. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Vinh nhận 1,7 tỷ đồng (tương đương gần 280 triệu đồng/tháng), tăng 43%.
Tại VIX, Chủ tịch HĐQT Thái Hoàng Long có thù lao 1,32 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng, vị chủ tịch nhận 220 triệu đồng.
Chủ tịch HĐQT MBS Lê Viết Hải nhận thù lao 390 triệu đồng (tương đương 65 triệu đồng/tháng), bằng với cùng kỳ và cao nhất trong các thành viên HĐQT. Giống ông Hải, hầu hết thù lao cho lãnh đạo MBS đi ngang.
Nửa đầu năm, VPBankS trả thù lao HĐQT 360 triệu đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, và chia đều ông Nguyễn Công Tuấn và bà Hồ Thúy Ngà (mỗi người 180 triệu đồng, tương đương 30 triệu đồng/tháng/người).
Chứng khoán Tiên Phong ghi nhận chung tổng thù lao, lương HĐQT, ban TGĐ, Ban kiểm soát nửa đầu năm hơn 3,3 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Trong đó, thù lao cho Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Tú và Phó Chủ tịch Trương Thị Hoàng Lan cùng bằng 120 triệu đồng, tương đương 20 triệu đồng/tháng.
Các thành viên HĐQT không độc lập của Vietcap tiếp tục không nhận thù lao. HĐQT Vietcap đã giảm số lượng một thành viên sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 (miễn nhiệm 3, bầu bổ sung 2 thành viên).
Với tân binh mới niêm yết DNSE, cả HĐQT và Ban kiểm soát không nhận thù lao trong 6 tháng đầu năm.
Trên đây là lương, thu nhập do công ty chứng khoán chi trả, được công bố tại báo cáo tài chính. Ngoài ra, bản thân các lãnh đạo thường sở hữu thêm dòng tiền khác, ví dụ như thu nhập ở đơn vị khác, lãi đầu tư chứng khoán, ESOP, cổ tức…