Bà Đinh Thị Huyền Thanh vừa có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – Mã: PGB). Trong đó, bà Thanh xin rút khỏi ghế Tổng giám đốc từ ngày 25/4. Còn Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 (ngày 20/4) đã thông qua việc từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của bà. Bà Thanh xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Bà Thanh mới gia nhập PGBank từ tháng 7/2023 và được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc từ tháng 11 cùng năm. Như vậy, nữ Tổng giám đốc này đã rời ngân hàng chỉ sau hơn 5 tháng giữ vai trò lãnh đạo cao nhất trong Ban điều hành ngân hàng.
Bà Đinh Thị Huyền Thanh là tiến sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng (Đại học Tổng hợp Maastricht, Hà Lan) và có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong quá trình công tác, bà đã từng đảm nhận các vị trí quan trọng tại Ngân hàng RaboBank Hà Lan và Mỹ, cũng như tại Techcombank.
Trước bà Thanh, 2 lãnh đạo của PGBank cũng vừa có đơn từ nhiệm là ông Nguyễn Thành Lâm, Thành viên HĐQT độc lập và ông Nguyễn Thành Tô, Phó tổng giám đốc vì lý do cá nhân
Trước đó, PGBank cũng đã có những thay đổi nhân sự khác nhằm kiện toàn bộ máy quản lý. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoa được miễn nhiệm chức vụ Người phụ trách quản trị ngân hàng và được điều chuyển làm cố vấn Ban Tổng Giám đốc từ ngày 10/4. Bà Nguyễn Thị Minh Thư, Phó chánh Văn phòng HĐQT, được giao phụ trách Văn phòng HĐQT kiêm Người phụ trách quản trị ngân hàng.
Vào giữa tháng 3, PGBank đã bổ nhiệm 3 Phó Tổng Giám đốc mới sau khi nhiều nhân sự cấp cao xin từ nhiệm. Các tân Phó Tổng Giám đốc bao gồm ông Trần Văn Luân, ông Lê Văn Phú và ông Nguyễn Trọng Chiến.
Những thay đổi nhân sự này diễn ra trong bối cảnh PGBank đang trong quá trình tái cấu trúc sau khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn.
Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2023, nhà băng này báo lỗ 4,6 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, PGBank đạt lợi nhuận 283 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2022.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank đạt gần 55.500 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Nợ xấu của ngân hàng ở mức 905 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,56%, không thay đổi so với một năm trước đó.
Mới đây, PGBank đã hoàn tất phát hành 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lệ phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 15 cổ phiếu sẽ nhận thêm 4 cổ phiếu mới. Dự kiến sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng.