Ngày 24/5, CTCP DNP Holding (Mã: DNP) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Năm 2024, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 7.986 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2023 song lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 61% còn 73 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ không chia cổ tức năm 2023.
Doanh nghiệp cho biết năm nay đặt mục tiêu đạt 1.381 tỷ doanh thu nước sạch năm 2024, tăng 29,3% so với năm 2023. Tăng trưởng đến từ các yếu tố hợp nhất CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn vào hệ thống của DNP Water, thông qua tăng trưởng tự nhiên của thị trường hiện hữu, nâng công suất và mở rộng địa bàn cấp nước tại một số khu vực như Bắc Giang, Củ Chi – TP HCM, Bình Thuận, Bình Phước và điều chỉnh tăng giá nước, góp phần tăng doanh thu tại một số công ty con.
Hệ sinh thái ngành nước lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.630 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,1% so với năm 2023, do những lo ngại về thị trường vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn và thị trường bất động sản có sự trầm lắng nhẹ.
Trong đó, 1.223 tỷ đến từ mảng ống và phụ kiện, 681 tỷ đến từ mảng vật tư thiết bị ngành nước và 726 tỷ đến từ mảng nguyên vật liệu. Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ thúc đẩy doanh thu tại thị trường miền Bắc, bao gồm cả ống hạ tầng và ống dân dụng.
Sản phẩm gia dụng với thương hiệu Inochi dự kiến đạt 754 tỷ doanh thu năm 2024, tăng 27,8% so với năm trước.
Vật liệu xây dựng mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.917 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,6 % so với năm 2023. Còn mảng bao bì với con số kế hoạch doanh thu năm nay là 650 tỷ, tương đương năm 2023 do những lo ngại về tình trạng suy thoái toàn cầu.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về đánh giá các mảng kinh doanh, lãnh đạo DNP Holdings cho biết với DNP Water phụ trách mảng nước sạch và môi trường, lĩnh vực nước sạch có tiềm năng tăng trưởng tương đối cao và ổn định, duy trì khoảng 8-10%/năm.
Ngoài ra, FDI mấy năm nay đều tăng trưởng và sẽ còn tiềm năng tăng trưởng tốt, là động lực cho việc mở rộng sản xuất và đô thị hóa,… Đây là cơ sở để DNP Water tiếp tục phát triển và đầu tư mạnh trong lĩnh vực nước sạch.
“Bên cạnh đó, trong nguy thì có cơ, ví dụ như những biến đổi khí hậu dẫn đến việc khan hiếm nguồn nước ngọt tại hạ lưu. Theo đó, chúng tôi cũng chủ động đề xuất các dự án dẫn nước ngọt để giải quyết vấn đề này thông qua việc chúng ta được cấp Giấy phép trạm bơm Nhà máy nước Đồng Tâm cấp cho 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre.
Chúng tôi cũng đón đầu những dự án khác trong thời gian tới để tập trung khắc phục và biến khó khăn thành cơ hội, ví như vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở các địa bàn địa phương cũng là cơ hội để chúng ta giải quyết”, đại diện DNP Holding chia sẻ.
DNP Holding cho hay đang hợp tác với Samsung, với mong muốn đầu tư vào nước thải, mảng này thì chưa được quan tâm nhiều với tổng quy mô theo tính toán của Hiệp hội cấp thoát nước là 10 tỷ USD. Trong khi phần xử lý nước thải sinh hoạt chi có khoảng 10%, đây cũng là thị trường lớn và DNP Water cũng sẽ tiên phong để đón đầu cơ hội này.
Thứ hai, hệ sinh thái ngành nước gồm cung cấp ống vật tư, phụ kiện thông qua CTCP Nhựa Đồng Nai và Công ty DNP Hawaco. Phía lãnh đạo DNP Holding tin tưởng vẫn phát triển ổn định và có lợi nhuận ổn định, tiếp tục bổ sung các sản phẩm liên quan: tấm đang lọc, đồng hồ bơm gang… phân khúc khác để tối ưu hóa lợi thế này.
Thứ ba, mảng gia dụng do CTCP Tân Phú Việt Nam đang thực hiện kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp thông tin quy mô thị trường gia dụng khá lớn, theo ước tính của Bộ Công thương khoảng 13 tỷ USD.
Đối tượng khách hàng của Inochi tập trung cho thế hệ tương đối trẻ, độ tuổi từ 18-45 tuổi, đây là giai đoạn dân số vàng của đất nước chiếm 60% nên triển vọng rất tốt. Với việc đa dạng, trước đây gọi là đồ nhựa gia dụng cao cấp, bây giờ chuyển sang là gia dụng cao cấp: thủy tinh, gốm sứ… phục vụ cho nhu cầu của hộ gia đình.
Cuối cùng, là mảng vật liệu xây dựng do CTCP CMC thực hiện. “Mặc dù giai đoạn này đang khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng nhưng mà với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI thì câu chuyện tăng tưởng sẽ sớm quay trở lại, tôi kỳ vọng khoảng 5-10%”, lãnh đạo DNP Holding dự báo.
Định hướng của CMC trong giai đoạn này là mở rộng, lấy thị phần, đồng thời cắt giảm chi phí, hợp tác quốc tế để đưa ra giải pháp tối ưu về chi phí.
Tại buổi họp, dự báo về kết quả kinh doanh hai quý đầu năm, đại diện DNP Holding thông tin ước đạt doanh số 4.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự được cải thiện.
DNP Holding có tân chủ tịch
Tại buổi họp thường niên, ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Vũ Đình Độ, bà Phan Thuỳ Giang và ông Akhil Jain kể từ ngày 24/5. Đồng thời đại hội đã bầu bổ sung ông Trần Đức Huy vào HĐQT.
Ngày 22/5, ông Vũ Đình Độ – cựu Chủ tịch HĐQT và Phan Thị Thuỳ Giang đã có đơn xin rút khỏi HĐQT của DNP Holding.
Ông Độ gia nhập DNP Holding từ năm 2012 với vai trò Giám đốc điều hành và trở thành Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT từ 2014. Ngoài DNP Holding, ông Độ cũng đang làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Tasco (Mã: HUT) từ tháng 4/2022.
Thay thế vị trí của ông độ, ông Trần Đức Huy đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT của DNP Holding. Ông Trần Đức Huy hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP CMC – đơn vị thành viên của DNP Holding.
Ông Vũ Đình Độ. (Ảnh: DNP Holding).
Giải đắp thắc mắc của cổ đông về lý do xin rút khỏi ghế Chủ tịch, ông Vũ Đình Độ cho biết: “Tôi cùng một số anh chị tham gia quản trị, điều hành tại DNP đồng thời cũng tham gia là thành viên HĐQT, ban điều hành của nhiều đơn vị khác nhau.
Tùy đặc thù của từng giai đoạn vàđiểm mạnh của từng cá nhân, ưu tiên chiến lược mỗi giai đoạn, chúng tôi sẽ có sự phân công lại pham vi phụ trách cho phù hợp từng giai đoạn đặc biệt để phát huy hiệu quả quản trị điều hành. Việc này nhằm củng cố sức mạnh của HĐQT, giúp HĐQT thực sự gắn bó, tập trung, hạn chế kiêm nhiệm, ưu tiên việc chuyên trách”.
Ông Vũ Đình Độ khẳng định: “Vẫn tiếp tục công việc tại DNP Holding với vai trò đại diện nhóm cổ đông lớn nhất và phụ trách Ban Chiến lược phát triển của toàn hệ thống, bao gồm một số chuyên gia có kinh nghiệm để nghiên cứu, thảo luận, đề xuất và phối hợp với HĐQT để lựa chọn định hướng cho DNP trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Độ cho hay bà Phan Thùy Giang mặc dù thôi thành viên HĐQT do sắp xếp lại thứ tự ưu tiên phù hợp từng giai đoạn nhưng vẫn đang chịu trách nhiệm trong ban điều hành công ty với vai trò Phó Tổng Giám đốc và tiếp tục vai trò này.
Ngoài ra, sau quá trình sắp xếp lại, tôi cũng mong muốn dành thời gian và sự ưu tiên phù hợp hơn là để điều hành tại Tasco (Tasco Auto – Thu phí không dừng VETC – Bảo hiểm). Hoạt động của các đơn vị này trong giai đoạn quan trọng, thời điểm then chốt xây dựng nền tảng phát triển bền vững, chuẩn bị cho các bước chuyển biến có ý nghĩa chiến lược.
Ông Vũ Đình Độ – Cựu Chủ tịch HĐQT DNP Holding và Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco (Mã: HUT)