Thời gian qua, chủ kênh YouTube và Podcast HieuTV (tên thật là Nguyễn Ngọc Hiếu) gây chú ý sau khi một số học viên mua khóa học đầu tư của ông đưa ra phản hồi tiêu cực. Với mức giá 250 USD (hơn 6 triệu đồng) trong 6 tháng, nhiều người cho rằng chất lượng khóa học chưa tương xứng với giá, học viên bị bỏ bê, không xây dựng được cộng đồng như đã cam kết.
HieuTV sau đó đã xin lỗi, nhận trách nhiệm về những thiếu sót trong việc vận hành khóa học, đồng thời thông báo dừng sản xuất podcast do quá tải sau thời gian dài làm nhiều việc.
Hiện nay HieuTV sở hữu kênh YouTube có hơn 850.000 người theo dõi, hơn 66 triệu lượt xem, kênh Spotify khoảng 7.000 người đăng ký, cùng cộng đồng thành viên gần 10.000 người. Ông được coi là một trong những người chia sẻ kiến thức tài chính nổi tiếng nhất, đan xen vào đó là những kinh nghiệm sống, với nhiều câu chuyện thực tế từ bản thân được đưa ra làm ví dụ.
Kiếm 1 triệu USD đầu tiên nhờ đầu tư vào một startup công nghệ giáo dục
“Chắc sẽ có một số anh chị đoán khoảnh khắc tôi đạt được cột mốc đó hẳn là rất đặc biệt, chắc tôi sẽ làm cái gì đó hoành tráng. Tuy nhiên, khoảnh khắc đó của tôi diễn ra khá bình thường“, HieuTV chia sẻ trong tập podcast “Tôi đã kiếm 1 triệu USD đầu tiên như thế nào”.
Ông cho biết trong giới tài chính, mọi người coi 1 triệu USD là cột mốc gian nan và khó khăn nhất, làm thay đổi cuộc sống nhiều nhất. Những cột mốc sau đó thường đến dễ dàng hơn. Với HieuTV, 1 triệu USD đầu tiên đến từ việc đầu tư vào một công ty EdTech (công nghệ giáo dục) ở Sydney (Úc), nơi ông giữ vị trí cố vấn.
“Nói là cố vấn, nhưng thật ra gần như tôi xắn tay áo lên cùng tham gia điều hành với ban giám đốc. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng đây là một trong những công ty đầu tiên mà tôi chính thức làm cố vấn, nên bằng mọi cách tôi phải đưa công ty phát triển theo đúng tiềm năng mà HĐQT đặt ra. Do đó, có gì làm được tôi sẽ hỗ trợ, từ chiến lược sản phẩm, chiến lược cho công ty đến marketing, thậm chí cả đi gặp gỡ và trao đổi với đối tác.
Chính nhờ tham gia điều hành sâu sát như vậy, tôi cảm nhận được tiềm năng của công ty, năng lực của ban giám đốc, cũng như biết các số liệu tài chính. Từ đó, tôi dễ dàng ra quyết định đầu tư vào công ty đó“, HieuTV kể lại.
Ông cho biết bên cạnh việc đầu tư vào công ty, ông cũng chỉ nhận “lương tượng trưng” đối với phí tư vấn, còn lại chuyển đổi thành advisory share (cổ phần tư vấn). Sau nhiều nỗ lực của cả đội ngũ, công ty này ngày càng phát triển.
“Tới một ngày, bạn Founder của công ty gọi cho tôi báo là họ chuẩn bị nhận đầu tư vòng Series A. Giá trị công ty khi đó vào khoảng 22 triệu USD. Tức là với 7% cổ phần tôi đang sở hữu, giá trị sẽ tương đương khoảng 1,5 triệu USD.
Với số tiền 1,5 triệu USD, cộng thêm những gì tôi tích lũy được ở thời điểm đó, thì đồng nghĩa với việc sau cú điện thoại đấy ít nhất ở trên giấy tờ tôi đã vượt qua được cột mốc tự do tài chính mà tôi ước mơ bấy lâu.
Sau đó gần như tôi không có cảm giác gì, cũng không có bất kỳ tiệc ăn mừng nào, thậm chí tôi không kể cho ai nghe. Mãi sau này, từ từ tôi mới cảm nhận được sự tự do mà tôi đang dần có được. Hoạt động tạm gọi là ăn mừng duy nhất là sau đó vài ngày, tôi ghé cửa hàng Rolex để mua một chiếc đồng hồ làm kỷ niệm“, HieuTV hồi tưởng.
4 bài học từ cột mốc 1 triệu USD của HieuTV
Sau khi nhìn lại hành trình kiếm 1 triệu USD đầu tiên, HieuTV rút ra 4 bài học cho bản thân cũng như mọi người.
Thứ nhất là phải có phương pháp tích lũy, để khi cơ hội tới chúng ta sẽ có đủ tài chính và nguồn lực để nắm lấy. “Giả sử HĐQT công ty đó đồng ý cho tôi đầu tư mà tôi không có sẵn tiền, thì tôi vẫn không nắm bắt được cơ hội”, HieuTV chỉ ra.
Thứ hai là phải hiểu mình đang đầu tư vào cái gì. “Với tôi thì thương vụ đầu tư vào công ty đó gần như không có rủi ro. Đơn giản vì trước khi đầu tư, tôi đã có tất cả các thông tin từ trong ra ngoài”, HieuTV cho biết.
Thứ ba là bài học về sự chăm chỉ và nỗ lực. HieuTV cho hay cá nhân ông chưa bao giờ thấy bất kỳ người nào thành công mà không phải cố gắng, thậm chí phải cố gắng và đánh đổi rất nhiều. Do đó, ông khuyên mọi người đừng kỳ vọng vào một thành công mà không phải đổ công sức.
Cuối cùng là bài học về sự kiên trì. “Nếu chúng ta có cố gắng, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thì những cố gắng đó cũng khó đi được tới đâu, không khác gì một tên lửa bị xịt bay lên được 3 mét rồi rớt xuống. Ngược lại, nếu chúng ta có một động cơ tên lửa đủ mạnh, tức là nỗ lực được duy trì trong thời gian dài và ổn định, chúng ta sẽ thoát ra được khỏi quỹ đạo“, HieuTV kết luận.
Theo An ninh Tiền tệ