Vị tỷ phú đứng sau tập đoàn muốn làm một việc “cực khó” – xây dựng đường ray có tốc độ lên tới 850 km/h, là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 diễn ra vào ngày 11/4, ông Trần Đình Long cho biết, hàng năm, tập đoàn đều chia tiền mặt, cổ phiếu cho các cổ đông. Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ ông đang rút dần ra khỏi tập đoàn, vì ông đã 64 tuổi và theo nhẽ bình thường là “nghỉ hưu lâu rồi”.
Thay vì trả lời chi tiết về các số liệu kinh doanh, ông Trần Đình Long chia sẻ với các cổ đông về những vấn đề mang tính chiến lược của tập đoàn. Theo ông Long, Hòa Phát trong ngắn hạn sẽ chỉ tập trung vào thép.
“Thị trường thép đang rất khốc liệt, nên trong ngắn hạn từ 5 – 10 năm tới, Hòa Phát sẽ dồn toàn lực“, ông Trần Đình Long chia sẻ.
Ngoài ra, với những mảng kinh doanh khác ngoài thép, chiến lược trong ngắn hạn của Hòa Phát là tập trung hoạt động và không mở rộng.
Về dài hạn, Hòa Phát sẽ tập trung vào những sản phẩm cần đầu tư, chất lượng cao, chẳng hạn như thép cho xe điện, biến thế, thép cho đường ray cao tốc. Lãnh đạo Tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cho biết, đang tiến hành nghiên cứu để làm đường ray đường sắt tốc độ cao, với tốc độ dự kiến lên tới 850 km/h.
Dù biết việc làm đường ray đường sắt cao tốc là cực kỳ khó, nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ rằng tập đoàn không ngại khó và cũng không sợ khó. Hiện tại, việc làm đường ray đường sắt cao tốc vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và để trở thành hiện thực thì vẫn còn rất nhiều bước cần triển khai.
Năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế là 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với năm 2023. Doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ chia cổ tức 10%.
Theo ông Trần Đình Long, trong 3 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã đạt được 2.869 tỷ đồng lợi nhuân, tương đương với đạt 28,7% kế hoạch của năm 2024 đề ra. Trong đó, lĩnh vực sản xuất thép và gang thép đóng góp khoảng 90% về kết quả này.
Vị tỷ phú đứng sau thành công của Tập đoàn Hòa Phát
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 1986, chuyên ngành kinh tế. Đến năm 1992, ông Long cùng với người bạn thân Trần Tuấn Dương thành lập công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát và nắm giữ vài trò Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc điều hành. Kể từ năm 1996 – 2005, ông Long giữ chức Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát.
Năm 2007, Tập đoàn Hòa Phát ra đời và ông trần Đình Long cũng nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Trong những năm qua, Tập đoàn Hòa Phát đã có những bước tiến vững chắc về doanh thu và lợi nhuận. Đến nay, Hòa Phát trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép ở Việt Nam.
Trong 1 năm vừa qua, theo danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2024 của Forbes, ông Trần Đình Long đã có cú bứt phá lớn về tài sản so với các tỷ phú khác ở Việt Nam. Đại gia ngành thép đã có thêm 800 triệu USD, lên 2,6 tỷ USD và hiện đứng thứ 3 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán của Việt Nam (sau ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjet Air).
Trong các tỷ phú Việt, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát có mức tăng tài sản tốt nhất. Sở dĩ tài sản của ông Trần Đình Long tăng mạnh trở lại là vì cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục lên giá, từ khoảng 22.800 đồng/cổ phiếu (cp) vào cuối tháng 10/2023 lên mức 30.000 đồng/cp như hiện tại.
Trong thời gian tới, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long được dự báo là có thể tăng hơn nữa, nhất là khi triển vọng cổ phiếu HPG tích cực.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chan-dung-ty-phu-ang-giau-len-nhanh-nhat-viet-nam-vua-co-tuyen-bo-chan-ong-ve-uong-sat-cao-toc-a413270.html