Ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam, 44 tuổi, Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo) bị Công an TP HCM khởi tố, điều tra về hành vi Trốn thuế.
Cơ quan điều tra xác định, ông Tam đã chỉ đạo Tình ký các Hợp đồng nguyên tắc với các Công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, An Thiên, và Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn nhưng không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng.
Tiếp đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. Hành vi này bị cáo buộc “nhằm mục đích trốn tiền thuế phải nộp” hơn 15,7 tỷ đồng.
Tay trắng khởi nghiệp
Ông Phạm Văn Tam, sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông không tiếp tục con đường học vấn đại học mà bươn chải với nhiều nghề như chụp ảnh, bưng phở, và buôn linh kiện.
Ở độ tuổi 2x, cơ duyên buôn bán giúp ông trở thành “tay buôn đồ cũ” có tiếng. Tuy nhiên, năm 2009, làn sóng tivi nước ngoài tràn vào mạnh mẽ đánh gục gần như hoàn toàn dòng sản phẩm trong nước, ông mất hết đối tác. Không còn cách nào khác, ông tự tạo thương hiệu của riêng mình để chủ động trong kinh doanh, tránh tình trạng lệ thuộc.
Ông bắt đầu xây dựng sự nghiệp riêng. Khởi đầu làm dòng thương hiệu điện tử gia dụng nhưng hàng hóa không bán được vì không có tên tuổi, người tiêu dùng không tin tưởng. Đến 2011, ông làm tiếp thương hiệu khác nhưng cũng thất bại. Liên tiếp những bài học khiến ông Tam thay đổi, năm 2013 ông quyết định làm tivi mang tên Asanzo với mong muốn ban đầu có mặt hàng tiêu thụ, mỗi tháng bán vài trăm chiếc.
Tivi Asanzo 25inch với giá thành chưa tới 2 triệu đồng nhanh chóng gây sốt thời điểm đó. Ban đầu công ty chỉ triển khai làm vài trăm cái nhưng trước sự đón nhận của thị trường, Asanzo làm hẳn nghìn chiếc và bán cháy hàng.
Dòng sản phẩm của ông hoàn toàn khác nhau ở các vùng miền. Chẳng hạn, ở miền Tây người dân đi lại chủ yếu bằng đường sông và xài bình ắc quy, Asanzo bán tivi chạy bằng ắc quy, rất được ưa chuộng. Năm 2014, mỗi tháng đơn vị cung cấp từ 4.000-5.000 chiếc cho thị trường này.
Với lợi thế giá rẻ và mang danh thương hiệu Việt, thương hiệu Asanzo phủ sóng nhanh trên thị trường nội địa.
Từ vị thế của người mới nhập cuộc chơi năm 2014, nhà sản xuất tivi Việt Nam nhanh chóng nằm trong top 4 về thị phần, chỉ đứng sau ba ông lớn ngoại quốc. Doanh số bán từ 150.000 chiếc năm đầu tiên, tăng lên gấp đôi vào năm sau đó và đạt con số 710.000 trong năm 2017. Doanh thu của Asanzo cũng vươn lên con số nghìn tỷ đồng, đạt hơn 4.600 tỷ vào cùng năm.
Tuy nhiên, giai đoạn này thị phần của Asanzo chủ yếu ở khu vực phía Nam và miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Đồng Nai trở vào. Sau khi chuyển mục tiêu hướng ra thị trường miền Bắc, cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất thông qua các nhà máy mới, doanh số của “đế chế” Phạm Văn Tam tăng trưởng mạnh.
Đến giữa năm 2019, công ty nghiên cứu thị trường GfK đã ghi nhận Asanzo đứng đầu mảng tivi “made in Vietnam” với thị phần 16%, chỉ đứng sau những ông lớn quốc tế như Samsung, Sony, LG.
Nhờ đó, ông Tam cũng trở thành hình mẫu thành công trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt, đến năm 2019 khi trở thành một trong các “cá mập” tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông chủ Asanzo càng được biết đến rộng rãi hơn. Vị này cũng ra mắt quỹ khởi nghiệp với số vốn ban đầu 200 tỷ đồng để hỗ trợ các startup.
Bê bối “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”
Tuy nhiên, giữa lúc thương hiệu Asanzo và tên tuổi ông Tam đang nổi bật trong giới kinh doanh, thị trường và người tiêu dùng bắt đầu đặt nghi vấn về sản phẩm Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”.
Hồi tháng 10/2019, Cục Thuế TP HCM đã xử phạt và truy thu tổng cộng 68 tỷ đồng đối với Công ty Asanzo.
Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng (gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ). Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cho công an điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự.
Ngoài ra, Asanzo cũng bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng. Trong đó gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là gần 14,7 tỷ đồng.
Sau nhiều năm trực tiếp điều hành Tập đoàn điện tử Asanzo ở cương vị Chủ tịch HĐQT, tháng 9/2020, ông Phạm Văn Tam quyết định chuyển hướng sang một vai trò mới.
Ông chủ Asanzo thành lập Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Winsan và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Khác với mô hình quỹ khởi nghiệp Asanzo đã triển khai năm ngoái chỉ tập trung vào startup điện tử, phần cứng, Winsan mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát… Bên cạnh rót vốn, tập đoàn khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, chuyên gia đầu ngành để đảm nhận các vị trí cấp cao, hỗ trợ các công ty này bứt phá trên cuộc đua cạnh tranh, giảm tỷ lệ thất bại.
Nguồn lực ban đầu dự kiến 1.000 tỷ đồng, với khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ – điện tử.
Hai tháng sau, chức danh tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của Winsan chuyển sang cá nhân khác.
Theo Đời sống Pháp luật