FPT sẽ đặt cược tương lai và sinh mệnh vào AI
“Hiện tại, về xuất khẩu phần mềm, chúng tôi chỉ đứng sau Ấn Độ, còn ở lĩnh vực dịch vụ phần mềm thì đứng trong Top 5 thế giới, chúng tôi đang phấn đấu lọt vào Top 3 ở lĩnh vực này trong vài năm tới.
Tuy nhiên, không phải khi nào chúng tôi cũng thua kém đối thủ Ấn Độ. Mới đây, FPT vừa vượt qua các doanh nghiệp Ấn Độ để thắng hợp đồng trị giá 200 triệu USD cho một khách hàng ở thị trường Mỹ. Theo đó, trong vòng 3 năm, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho họ”, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT tiết lộ trong sự kiện công bố FPT Techday 2024 với chủ đề Future Now.
Với việc doanh thu từ xuất khẩu phần mềm chiếm 95% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, FPT từng bị giới chuyên môn đánh giá là ‘giỏi làm thợ hơn giỏi làm thầy’; nhưng bây giờ mảng này chỉ còn chiếm 30%.
Theo Báo cáo tài chính của Tập đoàn FPT, năm 2023, họ có doanh thu 52.818 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng. Trong đó, Khối Công nghệ (bao gồm Dịch vụ CNTT trong nước và Dịch vụ CNTT nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 60% doanh thu và 45% lợi nhuận, tương ứng 31.449 tỷ đồng và 4.161 tỷ đồng.
Doanh thu từ Dịch vụ CNTT tại nước ngoài chính thức vượt mốc 1 tỷ USD. Doanh thu từ chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 đạt 10.425 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics…
Tuy nhiên, hài lòng với những gì đang có ở thời điểm hiện tại thường là cách khiến một doanh nghiệp đi nhanh đến thất bại. FPT đang tìm kiếm cơ hội cạnh tranh từ nhiều lĩnh vực trong ngành công nghệ thông tin.
“Trong tương lai, FPT sẽ tập trung phát triển lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Bán dẫn, Công nghệ ô tô. AI sẽ là công nghệ dẫn dắt cuộc sống trong tương lai và là công nghệ lõi để FPT có thể cạnh tranh với các đối thủ khác trong lĩnh vực Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh. Có thể nói, chúng tôi đang đặt cược tương lai và sinh mệnh của mình vào AI!
Một trong những rào cản cho sự phát triển của FPT trong các lĩnh vực mới như bán dẫn hay AI chính là nguồn nhân lực. Nên mục tiêu lớn nữa trong tương lai của FPT chính là cung cấp đủ nhân lực chất lượng cao ở 2 lĩnh vực nói trên cũng như ngành công nghệ nói chung cho thị trường Việt Nam; sau đó xuất khẩu ra toàn thế giới.
2 0 năm trước, khi FPT đề cập đến việc xuất khẩu phần mềm, nhiều người không tin là chúng tôi làm được, và cho rằng ‘Việt Nam ăn còn chưa đủ no mà đã nghĩ đến chuyện làm phần mềm!’; nhưng, chúng tôi đã làm được thì bây giờ cũng vậy!”, CEO tập đoàn này cho hay.
Tới năm 2030, FPT đặt mục tiêu doanh số 5 tỷ USD từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, trong đó riêng công ty con 1 tuổi FPT Automotive sẽ đóng góp 1 tỷ USD.
Về mục tiêu nhân sự và đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đến năm 2030, Việt Nam cần 3 triệu nhân lực số chất lượng cao; “lò đào tạo” FPT sẽ phấn đấu đạt 1 triệu nhân sự và đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn.
FPT đã chuẩn bị được gì cho câu chuyện “đặt cược” ở lĩnh vực AI và Công nghệ ô tô?
“ FPT đặt cược vào AI và trong lịch sử chưa lần chúng tôi nào dám đặt cược lớn như vậy. Trong lịch sử 36 năm thành lập, đây là lần đầu tiên FPT đặt cược lớn với hàng trăm triệu USD cho một lĩnh vực mới, một công nghệ mới. Chúng tôi tự tin rằng quyết định này là đúng đắn, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
Ví dụ, ở thị trường nước ngoài, mảng công nghệ ô tô của chúng tôi đang tăng trưởng nhanh và ngày càng đi sâu hơn vào các sản phẩm cụ thể như phần mềm xe hơi. Các công nghệ như lùi tự động, sử dụng giọng nói để điều khiển xe hơi và một phần chức năng tự lái đều có sử dụng công nghệ AI, chính là cơ sở để chúng tôi đặt niềm tin vào quyết định lớn này ”, ông Vũ Anh Tú – CTO của FPT khẳng định.
Dự báo đến năm 2050, AI sẽ tạo ra giá trị khoảng 19.000 tỷ USD, tương đương với giá trị của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại. Đến năm 2032, thị trường của GenAI tầm 1.200 tỷ USD. Để có thể giành lấy một phần đáng kể trong “miếng bánh” lớn nói trên, mới đây, FPT đã hợp tác với Nvidia đầu tư 200 triệu USD xây dựng AI Factory.
“Có nên đặt giá trị cạnh tranh của mình ở các nhà cung cấp khác không? AI của Việt Nam cần phản ánh được thế mạnh cạnh tranh của đất nước và con người Việt Nam, hướng tới AI có chủ quyền. Các nước trên thế giới đều đang nỗ lực xây dựng AI có chủ quyền cho đất nước mình, coi đó là giá trị cạnh tranh khác biệt trong tương lai mà mỗi quốc gia và doanh nghiệp cần thực hiện.
Để đạt được điều đó, cần công cụ và con người, tri thức và tất cả đều có ở ‘AI Factory’ của FPT. AI Factory sẽ mang đến cho FPT hạ tầng tính toán tốt nhất, nhằm tạo ra các mô hình AI ưu việt, khác biệt, có khả năng cạnh tranh với những người khổng lồ trên thế giới. Chúng tôi sẽ đưa những nhân sự xuất sắc của Tập đoàn cùng các chương trình đào tạo vào AI Factory này, để có thể tạo ra những mô hình AI có giá trị”, ông Lê Hồng Việt – Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud giải thích.
Bên cạnh đó, FPT cũng hợp tác với các công ty, tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới để đưa các mô hình – thuật toán AI tốt nhất trên thế giới về Việt Nam. Hiện FPT cũng đã hình thành được hệ sinh thái AI với 40 sản phẩm, giải pháp, cho các ngành tài chính – ngân hàng, sản xuất, bán lẻ, logistics. Tập đoàn này tự tin là doanh nghiệp tiên phong có đầy đủ cả hạ tầng và các ứng dụng về AI ở Việt Nam và trên thế giới.
Trong 1 năm vừa qua, doanh số của FPT Automotive năm 2024 (tính đến hết tháng 9) đã tăng 40% và dự kiến cuối năm sẽ giữ nguyên tốc độ tăng trưởng này. Đặc biệt, các hợp đồng với các OEM tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. FPT đang tiến dần vào các hệ thống cốt lõi của các hãng xe lớn trên thế giới. Hiện FPT Automotive có khoảng 150 khách hàng là các hãng xe hơi, các nhà sản xuất linh kiện, các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Hiện trong mảng này, thị trường châu Á đang sôi động nhất, phản ánh qua mức tăng trưởng gần 60% của FPT Automotive tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD mảng công nghệ ô tô vào 2030, FPT sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 30-35% qua từng năm.
Song song với việc phát triển kinh doanh, FPT cũng chú trọng phát triển nguồn lực chuyên gia về công nghệ ô tô, đã tăng gần 1.000 người. Đến cuối năm nay, đội ngũ kỹ sư dự kiến sẽ vượt hơn 4.000 người. FPT Automotive có hơn 50 chuyên gia hàng đầu ở các nước khác nhau như Đức, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, cùng với nhiều Việt kiều có kinh nghiệm làm việc tại các hãng xe lớn.
Nếu gia công phần mềm hay làm ra các phần mềm quản lý cơ bản trong kinh doanh để đi bán cho các doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số là kinh doanh công nghệ ở phân khúc “bình dân”; thì làm các phần mềm cung ứng cho các công ty sản xuất ô tô và tài chính là kinh doanh công nghệ ở phân khúc “cao cấp”.
Lĩnh vực phát triển phần mềm cho ngành ô tô đang là sân chơi của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Bosch, Nvidia… và tập trung ở khu vực châu Âu/Bắc Mỹ; nơi có ngành ô tô phát triển hàng trăm năm. Nếu FPT có dự định sẽ phát triển trong ngành này từ dịch vụ tư vấn đến triển khai toàn diện (end-to-end); hành trình chắc chắn không dễ dàng.
FPT đã và đang mở hàng loạt trường học các cấp để đào tạo nhân lực bán dẫn và AI
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc FPT, hiện hệ thống trường học của họ không chỉ có cấp Đại học hay Cao Đẳng mà cả cấp THPT và cấp THCS. Trong giai đoạn gần đây, để phục vụ cho các lĩnh vực kinh doanh mới cũng như mục tiêu xuất khẩu nhân tài trong tương lai, FPT đã xây thêm các trường Cao đẳng cũng như ra mắt các khoa mới trong hệ thống trường Đại học của mình.
Các trường Đại học – Cao đẳng của FPT đang có khoảng 2.000 tân sinh viên ngành Bán dẫn. Họ sẽ được tham gia vào quá trình thiết kế và kiểm thử chip bán dẫn của FPT ở các năm đầu tiên trong đời sinh viên. Họ cũng đang đào tạo 12.000 sinh viên chuyên ngành AI.
“Với việc hợp tác cùng Nvidia và Microsoft, chúng tôi tin rằng mình sẽ nhanh chóng đào tạo được nhân sự tốt cho ngành bán dẫn. Trong các sinh viên của ngành bán dẫn, có bạn sinh viên trùng tên với anh Trương Gia Bình; sau khi hoàn thành khóa học đã được công ty Nhật mời về làm việc với mức lương 50 triệu đồngtháng.
Về đào tạo nhân lực AI, chúng tôi đã chọn hợp tác với LandingAI, Mila. Chưa hết, chúng tôi cũng hợp tác với các trường ĐH hàng đầu thế giới. Ví dụ như khi có bài toán của khách hàng mà chúng tôi chưa giải được, sẽ đưa nó cho các sinh viên và mang họ tới các trường ĐH hàng đầu trên khắp thế giới để tìm lời giải”, CTO của FPT thông tin thêm.
CEO Nguyễn Văn Khoa cũng tiếp lời: “Nhiều khách hàng trong nước thiếu nhân sự giỏi chuyên môn công nghệ. Nếu chúng ta không có những thay đổi mang tính chất quyết liệt, không có đủ nguồn nhân lực thì có thể bị vuột mất cơ hội phát triển từ chuyển đổi số.
Dân số của chúng ta chỉ bằng 1/10 Ấn Độ. Muốn vượt qua Ấn Độ trong lĩnh vực cung ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thì 1 kỹ sư Việt Nam phải bằng 3 kỹ sư Ấn Độ; tức là kỹ sư Việt Nam phải có chuyên môn tốt hơn và năng suất lao động cao hơn. Chúng ta phải cung cấp nguồn nhân lực công nghệ có chất lượng tốt hơn.
V í dụ nhân viên của FPT không chỉ biết về AI mà phải ứng dụng AI vào công việc của bản thân và các dự án của công ty.
Với việc đào tạo công nghệ cho người trẻ Việt Nam ngay từ giai đoạn học trung học, thì mọi chuyện sẽ rất khác. Ngày nay, với sự phát triển của AI, ngôn ngữ (tiếng Anh) từng là rào cản của nhiều tài năng công nghệ Việt trong quá khứ, sẽ không còn là vấn đề với thế hệ tiếp theo nữa”.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/fpt-dat-cuoc-vao-ai-ban-dan-va-cong-nghe-o-to-lo-dao-tao-1-trieu-nhan-tai-so-cho-the-gioi-mo-lon-hay-mong-vien-vong-68419.html