Scandal lớn trong ngành tài chính
Năm 2016, một scandal lớn trong làng tài chính Việt Nam bùng lên khi kiểm toán E&Y phát hiện hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành (TTF) bị thiếu hụt 980 tỷ đồng so với sổ sách. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu TTF, có những phiên như ngày 4/8/2016 lượng dư bán giá sàn lên tới gần 9 triệu đơn vị, trong khi chỉ có 10 cổ phiếu được đặt mua.
“Cú sốc TTF trên TTCK khiến nhiều “con cáo” khuynh gia, bại sản”, trang đầu tư chứng khoán từng dẫn lời nhà đầu tư Phạm Đình tại Công ty Chứng khoán Đông Á chua xót nói. Khi đó, giá cổ phiếu TTF giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp, từ mức cao nhất 43.700đ xuống còn khoảng 8.000đ/cổ phiếu vào tháng 7/2016
CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành – mã CP TTF, được thành lập từ năm 1993 với nhà máy đầu tiên tại Dak Lak. Đến năm 2003, TTF chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành cổ phần, lúc này doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy.
Năm 2006, Quỹ Aureos Đông Nam Á (ASEAF) đã trở thành cổ đông nước ngoài đầu tiên của Công ty. Sau đó, TTF tiếp tục thu hút vốn từ các nguồn cổ đông trong và ngoài nước, tăng vốn điều lệ lên thành 150 tỷ đồng cùng với thặng dư vốn trên 470 tỷ đồng. Các cổ đông chiến lược và các cổ đông lớn bao gồm Aureos South East Asia Managers Ltd, VOF Investment Limited, Công ty CK Bảo Việt, Tong Yang, KITMC, Vina Capital,…
Năm 2008, TTF tiếp tục thành lập 1 nhà máy tại Phú Yên và 1 nhà máy hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Dương. Cũng trong năm này, 15 triệu cổ phần của doanh nghiệp chính thức niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu TTF.
Năm 2010, công ty tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 8, chuyên sản xuất ván lạng, ván ép và ván sàn kỹ thuật cao. Năm 2011, thành lập Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành Oji(TTO), một liên doanh giữa TTF và tập đoàn giấy lớn nhất Nhật Bản OJI Paper về trồng rừng với quy mô 17.000 ha tại Phú Yên.
Giai đoạn kinh doanh đỉnh cao, Gỗ Trường Thành có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm và được mệnh danh là “Vua gỗ Việt Nam”.
Nhìn lại báo cáo tài chính hợp nhất của TTF từ năm 2010 đến 2015, hàng tồn kho của Công ty luôn ở mức cao và có xu hướng gia tăng ngay cả khi doanh thu giảm đã tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất thường. Chiếm tỷ trọng lớn trong hàng tồn kho là nguyên liệu, vật liệu và sản xuất – kinh doanh dở dang cho đến khi tồn kho trên giấy bị vỡ lở.
Khi đó do không xác định được thời điểm phát sinh thiếu hụt này nên đã ghi nhận vào giá vốn của trong năm giá trị 1.052 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho hao hụt, mất mát. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ kỷ lục 1.296 tỷ đồng trong năm 2016.
Tổng tài sản của TTF cũng giảm mạnh từ 4.247 tỷ đồng đầu năm xuống còn 3.585 tỷ đồng cuối năm 2016.
Cùng với cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư, TTF còn tồn tại một loạt các yếu tố dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp:
– Lỗ thuần sau thuế năm 2016: 1.296 tỷ đồng; Lỗ luỹ kế đến 31/12/2016: 1.418 tỷ đồng
– Mất cân đối vốn: Nợ phải trả ngắn hạn vượt quá Tài sản ngắn hạn là 712,68 tỷ đồng
– Nợ quá hạn trong năm 2016 là 810 tỷ đồng; Các khoản phải trả (ngân hàng, chủ nợ khác) đến hạn trong năm 2017: 1.827 tỷ đồng.
Trục vớt con tàu đắm
Năm 2017, ông trùm giải cứu Mai Hữu Tín, người được biết đến với các thương vụ M&A và vực dậy thành công Bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 và Giấy Sài Gòn năm 2013 đã có mặt để “trục vớt con tàu đắm” Gỗ Trường Thành.
Cuộc tái thiết bắt đầu từ việc CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) của ông Mai Hữu Tín thông báo về ngày trở thành cổ đông lớn khi sở hữu 29 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 13.55 % vốn điều lệ khi đó).
Công ty có bước cải tổ mạnh mẽ khi các vị trí chủ chốt trong Ban Tổng Giám đốc tìm được người phù hợp xứng đáng đảm nhiệm, vị trí Tổng Giám đốc do ông Mai Hữu Tín đảm nhiệm.
Tháng 5, TTF đạt thỏa thuận nguyên tắc với Vingroup – chỉ định TTF là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ thành phẩm phục vụ cho các dự án Bất động sản Vingroup với tổng giá trị 16.000 tỷ đồng. Đây là hợp đồng cung cấp nội – ngoại thất lớn nhất từ trước tới nay được ký trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng trong năm này, kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng doanh thu 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 213 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm từ 177 tỷ đồng xuống còn 155 tỷ khiến cho lãi gộp trong kỳ tăng từ 22,4 tỷ quý I/2016 lên gấp 4 lần đạt 58 tỷ đồng thời điểm quý I/2017.
Vào ngày 26/06/2017, Đại hội đồng cổ đông năm 2017 được tổ chức tại trụ sở chính, bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới 2017-2021 và thống nhất các nội dung chính: thông qua phương án phát hành riêng lẻ nâng vốn điều lệ công ty, trả nợ ngân hàng giảm áp lực lãi vay và thông qua việc cơ cấu danh mục đầu tư và tài sản tại các công ty con, mảng trồng rừng và hàng tồn kho.
Ngày 21/12/2017, TTF phát hành thành công 70 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phần, thu về 700 tỷ đồng. Cùng với đó, dòng tiền đầu tư bắt đầu đổ về TTF, vào cuối tháng 12, Sam Holding bắn phát súng đầu tiên với thông báo sẽ đầu tư dự kiến 14 triệu cổ phiếu.
Ít lâu sau, vào đầu năm 2018, quỹ ngoại PynElite thông báo trở thành cổ đông lớn TTF khi quyết định rót vốn đầu tư hơn 13 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 6,4 % vốn điều lệ).
Sau 5 năm kể từ ngày được giải cứu, đến cuối năm 2021, TTF đã tuyên bố sạch nợ ngân hàng (số dư vay ngắn hạn đến cuối năm 2021 chỉ còn gần 17 tỷ đồng) và tham vọng tham gia cuộc chơi 1 tỷ USD tại ASEAN.
Mặc dù giải quyết được khối nợ hàng nghìn tỷ với ngân hàng đã chứng minh được năng lực quản trị về tài chính của ông Mai Hữu Tín nhưng con số về lợi nhuận vẫn còn khoảng cách xa so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dương 2,51 tỷ đồng nhưng sang tới năm 2022 lại đảo chiều, âm 1,23 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn hơn, TTF đã lỗ sau thuế tổng cộng gần 49 tỷ đồng, trong đó lỗ sau thuế của công ty mẹ gần 43 tỷ đồng.
Nguyên nhân được công ty giải thích là do các đơn hàng trong 9 tháng đầu năm có biên lợi nhuận thấp.
Cho tới nay, khối lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng vẫn trĩu nặng trên bảng cân đối kế toán của TTF (số dư lỗ luỹ kế tại 30/9/2023 là 3.129 tỷ đồng).
Chia sẻ tại chương trình “The Next Power” năm 2022, ông Tín nhấn mạnh việc ông đã đổi mới Gỗ Trường Thành ở ba khía cạnh. Thứ nhất, đầu tư vào việc thiết kế để sản xuất những sản phẩm cao cấp và có giá trị cao hơn. Thứ hai, đầu tư vào công nghệ phù hợp với Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu lớn hơn của thị trường bên ngoài. Thứ ba, đổi mới quản trị để tất cả người lao động trong doanh nghiệp có tiếng nói và tham gia vào quá trình thay đổi doanh nghiệp.
Trước đây, Gỗ Trường Thành sản xuất đồ gỗ nội thất và ngoại thất cho các công trình nhà ở và du lịch phân phối cho cả thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài, phục vụ dòng sản phẩm phân khúc giá trị thấp, sử dụng lao động giá rẻ Việt Nam như yếu tố cạnh tranh chính và không tạo ra được lợi thế cạnh tranh nào lâu dài.
Sau khi có sự tham gia của ông Mai Hữu Tín, TTF đã tìm được cho mình thị trường ngách, tiến vào mảng nội thất chất lượng, quan tâm đến thiết kế sản phẩm, làm thương hiệu cao cấp, đa dạng hoá thị trường bao gồm cả nội địa và xuất khẩu.
Với những kết quả khả quan, ông Mai Hữu Tín kỳ vọng trong vòng năm năm nữa (kể từ 2022), Gỗ Trường Thành có thể lớn gấp năm lần giai đoạn hiện nay về quy mô cũng như có mô hình quản trị tiên tiến để có thể “xoay chuyển” được bất kỳ đơn vị nào đang gặp vấn đề trong ngành đồ gỗ.
“Với tôi cái đó còn quan trọng hơn những thành quả tài chính”, Trong chương trình The Next Power, ông Tín nhấn mạnh vai trò của bộ máy quản trị “Đó mới là xương sống của việc thay đổi để chúng ta có thể nhân rộng ra. Đó chính là cái Việt Nam cần nhất.”
Theo An ninh Tiền tệ