Trong một bài đăng mới đây trên Facebook, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT FPT cho biết tập đoàn này đang lên kế hoạch thành lập một nhà máy AI ở Nhật Bản. Cũng như lúc FPT triển khai nhà máy AI ở Hà Nội vào tháng 4/2024, nhiều người đã đặt thắc mắc cho ông tại sao FPT lại gọi là nhà máy AI hay FPT phóng đại lên, gọi là nhà máy cho oách chăng?
“Thực ra FPT không tự đặt ra cái tên “nhà máy AI”, FPT cũng chẳng vì oách mà đặt tên là nhà máy AI. Nhà máy AI nguyên gốc tiếng Anh là “AI Factory” hay “AI Factories” là một khái niệm mới xuất hiện trong vài năm gần đây”, ông Đỗ Cao Bảo cho biết.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, nhà máy AI không chỉ đơn thuần là sử dụng AI để tự động hóa các quy trình sản xuất như nhiều người vẫn nghĩ. Thuật ngữ “AI Factory” thường bị hiểu nhầm. Một số người nghĩ rằng nó ám chỉ việc tích hợp AI vào các dây chuyền sản xuất. Thực ra không phải vậy.
Trong cuốn sách Competing in the Age of AI (2020), các tác giả Marco Iansiti và Karim Lakhani giải thích rằng các nhà máy AI là một phương pháp có hệ thống để tích hợp AI vào hoạt động kinh doanh, tập trung vào việc tạo ra một chu kỳ sản xuất giúp tăng cường các thành phần khác nhau của hệ thống AI.
Về mặt học thuật, nhà máy AI được coi là một môi trường chuẩn hóa, nơi các ứng dụng AI được phát triển, triển khai và quản lý ở quy mô lớn – tương tự như sản xuất truyền thống. Mô hình này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một chu kỳ lành mạnh liên quan đến sự tham gia của người dùng, thu thập dữ liệu, thiết kế thuật toán và cải tiến liên tục, thúc đẩy sự đổi mới liên tục và nâng cao khả năng của AI.
“Chốt lại là, FPT gọi theo danh từ mà quốc tế dùng và từ AI Factory dịch ra tiếng Việt chỉ có thể là nhà máy AI, không thể khác”, ông Đỗ Cao Bảo khẳng định.
Vào tháng 4/2024, FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA- Tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới để thúc đẩy nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu.
Hai bên dự kiến xây dựng Nhà máy Trí tuệ nhân tạo (AI Factory), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành Đối tác phát triển dịch vụ (Service Delivery Partner) trong mạng lưới đối tác của NVIDIA.
Theo Biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam. Nhà máy bao gồm các hệ thống siêu máy tính hoạt động trên công nghệ mới nhất của NVIDIA (bao gồm bộ ứng dụng- khung công nghệ phát triển NVIDIA AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core).
AI Factory sẽ cung cấp dịch vụ đám mây GPU giúp khách hàng doanh nghiệp của FPT trên toàn cầu tiếp cận với nguồn lực cốt lõi nhất để nâng cao năng lực nghiên cứu, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh (Generative AI), đạt được những đột phá trong nâng cao năng suất, trải nghiệm khách hàng.
Đồng thời nhà máy này cũng giúp FPT tăng tốc xây dựng, phát triển các nền tảng, ứng dụng AI có giá trị cao hơn cho khách hàng mọi ngành nghề. Dự kiến sau 3 tháng ký kết hợp tác, nhà máy có thể sẽ bắt đầu kế hoạch khởi công xây dựng.
Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcap, FPT cũng có kế hoạch thành lập nhà máy AI/cung cấp GPUaaS tại Nhật Bản vì công ty tin rằng nhu cầu về AI rất mạnh và chưa được khai thác trong khu vực, trong khi khách hàng ở APAC đang phải đối mặt với các yêu cầu về quyềnriêng tư dữ liệu của chính quyền địa phương để có thể truy cập vào GPUaaS của FPT tại Việt Nam. Doanh nghiệp vẫn đang thảo luận với các đối tác tại Nhật Bản, có khả năng thuê trung tâm dữliệu tại địa phương để triển khai dịch vụ này và vẫn chưa cam kết bất kỳ khoản đầu tư vốn XDCB nào.
Theo antt.nguoiduatin.vn
https://antt.nguoiduatin.vn/ong-do-cao-bao-fpt-tuyen-bo-xay-dung-nha-may-ai-khong-phai-de-cho-oach-205240908104253292.htm