Ngày 10/5, CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Điều gây chú ý tại đại hội lần này là sự xuất hiện của ông Nguyễn Đỗ Lăng, nguyên Chủ tịch Apec Group, cựu Thành viên HĐQT API.
Trước đó, một loạt lãnh đạo nhóm Apec từng vướng lùm xùm khi vào cuối tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng đã bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp, theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Ly sau đó đã được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT API thay bà Thanh.
Sau biến cố, cổ đông mong muốn ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ với đại hội lần này về định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. “Xin chào các quý vị cổ đông yêu quý, thân thương,” ông Nguyễn Đỗ Lăng tươi cười nói khi bước vào hội trường. Ông Lăng cho biết không có ý định tham gia đại hội và dự định chỉ ở phía sau hậu trường.
“Sự việc xảy ra thì các cổ đông cũng đã biết, đây là một tai nạn vô cùng bất ngờ. Chúng tôi không làm, có một vài bạn nhân viên ở dưới đặt lệnh,” ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ với cổ đông. Theo ông Lăng, sắp tới sẽ có công bố thông tin, ông sẽ chờ cơ quan pháp luật và hy vọng mọi việc sẽ êm đẹp.
“Tôi cũng đã trao đổi rằng nếu cùng lắm quy cho Apec thì chỉ vài nhân viên ở dưới vô tình để xảy ra những điều như thế. Việc đã xảy ra rồi thì cũng không nói lại, hy vọng sẽ êm đẹp, mình chỉ tập trung vào công việc chính của mình thôi,” ông Lăng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng – linh hồn của của nhóm doanh nghiệp Apec
Ông Nguyễn Đỗ Lăng sinh năm 1974 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý). Năm 1998, ở tuổi 24, ông Lăng đã là Giám đốc điều hành Công ty Prometeo – Italia. Sau đó, ông Lăng có 6 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường – CIC từ năm 2000-2006.
Năm 2006 ông Nguyễn Đỗ Lăng sáng lập hệ sinh thái Apec Group. Doanh nghiệp này tiền thân là công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, sau đó lấn sân sang bất động sản từ năm 2010. Apec Group và một số đơn vị thành viên tập trung đổ vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng, condotel. Hiện công ty này này đã triển khai loạt dự án khắp các tỉnh thành.
Hệ sinh thái của Apec gồm 3 trụ cột chính là CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) và CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API). Cả 3 công ty này hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán HNX.
Từ năm 2006 – 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ Việt Nam và là Chủ tịch của API.
Từ tháng 6/2020 đến trước khi bị khởi tố vào tháng 6/2023, ông Lăng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT API. Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Cotana (mã chứng khoán: CSC) – một doanh nghiệp nằm ngoài hệ sinh thái Apec Group.
Tính đến cuối năm 2023, vị doanh nhân này đang cũng nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu API, chiếm 19,6% vốn điều lệ của công ty này. Ngoài ra, vị doanh nhân còn sở hữu 11,8 triệu cổ phiếu APS, tương đương 14,3% vốn.
Màn hô “gồng lãi” kinh điển năm 2021
Trước khi bị khởi tố vào tháng 6/2023, Ông Nguyễn Đỗ Lăng nhận được sự chú ý lớn từ thị trường sau màn hô hào cổ đông Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (mã APS), nơi ông giữ vai trò Tổng Giám đốc, “gồng lãi” tại ĐHĐCĐ diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021 (EGM 2021).
Cổ phiếu APS lúc ấy đang “làm mưa làm gió” trên thị trường với chuỗi tăng phi mã. Từ một cổ phiếu “trà đá” với mức giá 4.200 đồng hồi đầu năm, mã này tăng vọt lên mức 49.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 16/11, tương đương mức tăng 12 lần trong chưa đầy 1 năm.
Sóng của cổ phiếu APS diễn ra trong thời điểm nhiều cổ phiếu trong hệ sinh thái Apec cũng đang nổi sóng trên thị trường. Cùng với đà tăng của APS, cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương tăng gấp 7 lần và cổ phiếu IDJ của Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm.
Quàng chiếc khăn màu tím – màu đặc trưng của dòng cổ phiếu APEC khi ấy – ông Lăng và các đồng sự giơ cao cánh tay, cùng kéo các cổ đông hô to “Apec quyết tâm gồng lãi”. Tuy nhiên, sau đó không lâu, cổ phiếu APS và các cổ phiếu dòng APEC rơi sâu, theo đà giảm chung của thị trường. Không ít cổ đông nghe lời “gồng lãi” đã phải trả giá.
Bộ 3 cổ phiếu nhà Apec cũng đã có sự tăng trưởng trở lại trong năm 2023 nhưng lại tiếp tục lao dốc nhưng sau đó lại nhanh chóng lao dốc sau biến cố của một loạt lãnh đạo nhóm Apec vào năm 2023.
Đặc biệt, sau biến cố của ông Nguyễn Đỗ Lăng kết quả kinh doanh của các công ty nhóm Apec cũng đã “lao dốc” thê thảm.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/ong-nguyen-do-lang-linh-hon-cua-nhom-apec-man-deo-khan-tim-gong-lai-kinh-dien-va-su-tro-lai-bat-ngo-sau-vu-khoi-to-55985.html