Cuộc chiến giá là cuộc chiến Lose – Lose
Với tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP mỗi năm, bán lẻ luôn là một ngành nghề hấp dẫn các “tay chơi” trên thị trường. Cổ phiếu của các công ty bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán cũng thu hút dòng tiền đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức chung, người tiêu dùng thắt “hầu bao”, ngành bán lẻ không tránh khỏi vùng ảnh hưởng.
Để thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm điện tử – điện lạnh, những tháng vừa qua, các ông lớn trong ngành đã khơi mào cuộc chiến giá rẻ, cạnh tranh giảm giá từng đồng. Những poster, khẩu hiệu giá rẻ liên tiếp được tung ra, giá bán online liên tục được cập nhật, hầu như không có sự chênh lệch quá lớn giữa các bên.
Tuy nhiên, chia sẻ trong chương trình Bí Mật Đồng Tiền mùa 2, với chủ đề “Bán lẻ sống khoẻ?”, ông Ngô Quốc Bảo – Giám đốc cấp cao khách hàng doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng FPT Retail cho rằng trong ngắn hạn, cuộc chiến giá có thể có lợi cho người tiêu dùng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, đây là cuộc chiến Lose – Lose (cùng thua).
“Trong kinh doanh, giá cả là yếu tố rất quan trọng. Người tiêu dùng luôn mong muốn một mức giá tốt, hợp lý nên FPT Retail đương nhiên cũng phải có những chính sách giá rất linh động và cạnh tranh để tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, cuộc chiến giá không bền vững.
Tại sao? Khi một doanh nghiệp cố gắng giảm giá, triệt hạ các đối thủ thì có thể người tiêu dùng sẽ có lợi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, càng giảm giá sâu thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Khi đó, những khoản đầu tư, tái đầu tư cho dịch vụ trước – trong – sau bán hàng sẽ bị ảnh hưởng, người tiêu dùng sẽ thiệt về đường dài. Một thiệt hại thứ hai mà ít người nghĩ đến, giả sử có một doanh nghiệp triệt hạ các đối thủ thành công thì sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, người tiêu dùng lại thiệt hại. Khi người tiêu dùng bị ảnh hưởng, công ty không có lợi nhuận, các nhà đầu tư cũng chịu thiệt hại.
Mặc dù chúng tôi có những chính sách giá linh hoạt để cạnh tranh và mang lại giá trị cho người tiêu dùng nhưng chiến lược đường dài mà chúng tôi theo đuổi là làm thế nào để nâng cao trải nghiệm người dùng. Ngay cả trong thời buổi khó khăn vừa rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho dịch vụ khách hàng”, ông Bảo phân tích.
Ngoài ra, khi nhìn thấy một thị trường không ổn định, các hãng đầu tư nước ngoài cũng e ngại trong việc rót vốn. Hệ quả là thị trường và cộng đồng đều thiệt hại.
Vị sếp FPT Retail cũng cho rằng, trên thị trường, không ai muốn “chơi khô máu” vì điều đó sẽ làm méo mó toàn thị trường. Đến hiện tại, thị trường bán lẻ cũng đã ổn định trở lại, cuộc chiến giá cũng có phần hạ nhiệt.
Hài hòa lợi ích để phát triển bền vững
Trước những câu hỏi của nhà đầu tư, khán giả về tiềm năng, chiến lược kinh doanh của chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, ông Ngô Quốc Bảo không ngần ngại cung cấp thông tin.
Nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều đơn vị thu hẹp quy mô, FPT Long Châu vẫn mở mới 306 cửa hàng, riêng Quý 2/2023 mở mới 187 cửa hàng. Tính trung bình, mỗi ngày lại có 2 cửa hàng bán lẻ dược phẩm mang thương hiệu FPT Long Châu ra mắt thị trường. Dù thần tốc mở rộng nhưng vị lãnh đạo FPT Retail khẳng định vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh, doanh thu bình quân hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
“Chuỗi dược phẩm là yếu tố rất quan trọng trong hệ sinh thái healthcare, Long Châu vẫn là động lực tăng trưởng tốt của FPT Retail trong tương lai ngắn và dài. Hiện tại, mọi người mới nhìn Long Châu là chuỗi kinh doanh dược phẩm bán lẻ nhưng hệ sinh thái healthcare vô cùng rộng lớn, có rất nhiều thứ để làm. Đó là dư địa trong chính thị trường mà chúng tôi đang hiện diện”, ông Bảo nhận định,
Hướng tới con đường phát triển bền vững trong dài hạn, Giám đốc Trải nghiệm khách hàng và Marketing FPT Retail cho rằng cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, bao gồm: nhà đầu tư, nhà cung cấp, nhà sản xuất, chủ cho thuê mặt bằng, cán bộ công nhân viên và khách hàng, cộng đồng xã hội. FPT Retail nói chung và chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu tự tin có những điểm khác biệt để phát triển dài hạn.
Cụ thể, với nhà cung cấp và chủ cho thuê mặt bằng, công ty không bao giờ có chủ trương tận dụng lợi thế quy mô lớn để ép giá nhà cung cấp hay chủ cho thuê mặt bằng. Ngay trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, đội ngũ FPT Long Châu đến nói chuyện, đàm phán, mong sự thấu hiểu của các bên cho thuê nhưng vẫn đảm bảo tinh thần win – win, đôi bên cùng có lợi.
Với cán bộ nhân viên, trong khi làn sóng sa thải đang quét qua nhiều doanh nghiệp nhưng FPT Retail tăng thêm 700 nhân viên. “Tôi từng đọc câu nói rằng các chi phí, chi đều phí. Chỉ có chi cho nhân viên là không phí. Tôi ủng hộ quan điểm đó”, ông Bảo nói.
Với các đối thủ cạnh tranh, trên quan điểm “buôn có bạn, bán có phường”, công ty luôn cạnh tranh lành mạnh, tự phát triển mình để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và các bên.
Cũng trong chương trình, nhận định khách quan về ngành, Mr.X30, Kinh tế trưởng của SSI Phạm Lưu Hưng, cho rằng ngành bán lẻ gặp khá nhiều khó khăn nên nếu các nhà đầu tư chứng khoán tính đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp bán lẻ với thời gian chỉ tính bằng tháng hay quý thì khó hiệu quả mà cần tầm nhìn dài hạn hơn. Nếu từ nay đến cuối năm có đợt điều chỉnh mạnh hay giảm giá xuống mức định giá tốt hơn thì đó là cơ hội để nhà đầu tư mua vào.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/sep-fpt-retail-lan-dau-lien-tieng-ve-cuoc-chien-gia-re-tiet-lo-bi-mat-doanh-thu-khung-cua-chuoi-long-chau-36606.html