Sản phẩm xe điện của BYD hiện được lưu hành tại hơn 60 quốc gia, giúp công ty đánh bật Tesla khỏi vị trí dẫn đầu với tư cách là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Theo thống kê năm 2023, BYD đã bán được nhiều hơn công ty đối thủ tận 42.000 xe.
Vậy nhưng Vương Truyền Phúc, người điều hành BYD, nhân vật trung tâm của câu chuyện này, lại thường không xuất hiện trước giới truyền thông. Tuy vậy, gần 30 năm phát triển của BYD cũng đã đủ để cho chúng ta thấy rõ được tư duy chiến lược, khả năng thích ứng và tầm nhìn vĩ đại của nhân vật này.
Xuất thân nghèo khó, quyết tâm đổi đời
Vương Truyền Phúc sinh tháng 2/1966 trong một gia đình nông dân bình thường ở làng Vô Vi, thị xã Vu Hồ, tỉnh An Huy, là con thứ 7 trong gia đình, có 5 chị gái, 1 anh trai và 1 em gái. Gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ vất vả nuôi 8 con. Chính hoàn cảnh nghèo khó này đã tạo nên động lực vô cùng to lớn để Truyền Phúc chăm chỉ học tập, và cùng nhờ vậy, những tài năng thiên bẩm của ông có cơ hội được khai phá.
Khi Vương Truyền Phúc 13 tuổi, cha ông qua đời vì bệnh ung thư gan. Để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, người anh trai Vương Truyền Phương đã phải bỏ học và người chị thứ 5 vội vã đi lấy chồng. Cô em gái phải gửi đến nhà họ hàng để nhờ nuôi dưỡng.
2 năm sau, mẹ lâm bệnh nặng và qua đời khi Vương Truyền Phúc đang tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học. Trong kỳ thi tốt nghiệp THCS, không được nhận vào trường trung cấp kỹ thuật vì trượt 2 môn, cậu từng có ý định bỏ ra ngoài làm thuê nhưng anh trai đã can ngăn, tin rằng học là con đường duy nhất để thành người.
Năm 1983, Vương Truyền Phúc thi đỗ vào Khoa Luyện kim, Vật lý và Hóa học của Đại học Công nghệ Trung Nam với điểm cao hàng đầu. Trong những năm học đại học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc và thường xuyên giành được học bổng hạng nhất, sau đó vài năm lại tiếp tục nhận bằng thạc sĩ về công nghệ pin tại Viện Nghiên cứu Tổng hợp Kim loại màu Bắc Kinh, nay gọi là Tập đoàn GRINM.
Để giảm bớt gánh nặng cho anh trai và chị dâu, mỗi lần nhận được học bổng, anh chỉ giữ lại một phần chi phí sinh hoạt và gửi phần còn lại về cho chị dâu.
Sau khi tốt nghiệp, ông dành vài năm làm nghiên cứu cho nhà nước, rồi sau đó chuyển về Thâm Quyến, một khu trung tâm mới đang phát triển thời bấy giờ nhờ được chỉ định là Đặc khu kinh tế.
Ở đó, Truyền Phúc, khi ấy 29 tuổi và anh họ của ông, Lã Hướng Dương, đã thành lập một công ty sản xuất pin điện thoại di động với tên gọi BYD.
Thành công đầu tiên
Trong vòng bốn tháng, họ đã có một tòa nhà văn phòng và một nhà máy nhờ khoản tài trợ 300.000 USD từ người anh họ của ông.
Ngay từ những tháng ngày đầu tiên xây dựng doanh nghiệp, BYD đã có một chiến lược rõ ràng: cạnh tranh với những sản phẩm thành công và giữ chi phí ở mức thấp nhất có thể. Mục tiêu chính là sao chép các sản phẩm do Toyota, Sanyo và Sony sản xuất nhưng làm cho chúng rẻ hơn so với các nhà cung cấp Nhật Bản.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, thay vì đầu tư vào máy móc đắt tiền, Truyền Phúc đã thuê một lực lượng lao động khổng lồ theo hợp đồng ngắn hạn. Điều này sẽ giúp ông tránh được việc phải tăng lương cho công nhân, đồng thời đảm bảo được hiệu suất của công việc.
Đến năm 2002, BYD thống trị thị trường pin sạc cho các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Khách hàng của BYD có thể kể đến những tập đoàn danh tiếng như: Motorola, Nokia, Sony Ericsson và Samsung… Cùng năm đó, Vương Truyền Phúc cũng lọt vào danh sách Top những người giàu có nhất Trung Quốc của tạp chí Forbes.
“Đối thủ tiềm năng” của các công ty lớn
Nhân khi nhà sản xuất ô tô trực thuộc nhà nước Tsinchuan Automobile đang gặp những thất bại liên tiếp, Vương Truyền Phúc đã mua lại công ty này và đổi tên nó thành BYD Auto. Ông ấp ủ ý tưởng thay thế động cơ đốt trong bằng pin để tái thiết dự án kinh doanh xe điện riêng của bản thân.
Hoạt động song hành với BYD Electronics (chuyên sản xuất pin và linh kiện điện thoại), hai nhánh công ty con này đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho BYD, tạo nên danh tiếng cho tập đoàn trên thị trường quốc tế.
Năm 2005, BYD tung ra mẫu ô tô sedan mang tên F3. Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm mới này rẻ hơn nhiều so với chiếc Toyota Corolla cùng loại đang đứng đầu thi trường khi đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, F3 đã đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán hàng ở Trung Quốc.
Sự công nhận của Warren Buffett
Vào cuối những năm 2000, Warren Buffett khi đó đang tìm cách tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về ô tô ở Trung Quốc và theo lời giới thiệu của đối tác là Charlie Munger, ông đã bắt đầu chú ý đến BYD.
Đề cập đến Vương Truyền Phúc, Munger nhận xét: “Anh chàng này là sự kết hợp giữa Thomas Edison và Jack Welch – giống Edison trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giống Welch trong việc hoàn thành những gì ông ấy cần làm. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy.”
Việc hợp tác diễn ra tốt đẹp, Buffett và Munger vẫn luôn hết lời ca ngợi BYD. Vào năm 2008, hai nhà đầu tư thậm chí đã quyết định chi 232 triệu USD mua 225 triệu cổ phiếu BYD, tương đương 25% tổng số cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc) mà tập đoàn sở hữu.
Sự công nhận của Warren Buffett đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới và thúc đẩy sự phát triển của công ty.
Năm 2009, BYD đạt được doanh thu trị giá 5,1 tỷ USD và Vương Truyền Phúc lần đầu tiên đứng đầu danh sách những người giàu có nhất Trung Quốc của Forbes.
Cái nhìn nhanh nhạy và khả năng thích ứng cao
Sau khi doanh số bán hàng sụt giảm nhẹ, BYD đã lại tìm được hướng đi mới.
Công ty đã giành được các hợp đồng vận tải công cộng từ các thành phố Thâm Quyến và Hồ Nam của Trung Quốc, cũng như các thỏa thuận với Amsterdam, Frankfurt và Los Angeles.
Hiện nay, BYD là nhà sản xuất xe buýt chạy bằng pin lớn nhất thế giới với hơn 50.000 chiếc đang lưu hành trên đường trên toàn cầu và hơn 1.000 chiếc đang lưu hành trên đường hoặc đang được sản xuất tại Mỹ, sở hữu một nhà máy khổng lồ ở Lancaster, California, chuyên sản xuất xe buýt cũng như các phương tiện khác như xe tải và xe nâng hàng.
Kể từ năm 2009, nhà sản xuất ô tô này cũng đã được hưởng lợi từ hàng tỷ USD từ khoản hỗ trợ gián tiếp của chính phủ Trung Quốc nhằm khích lệ các công ty xe điện mới nổi .
Công ty kiểm soát mọi phần của quá trình sản xuất của mình. Cách tiếp cận này đã được đền đáp trong thời kỳ đại dịch khi BYD tránh được các vấn đề về chuỗi cung ứng mà vẫn kiếm được lợi nhuận.
BYD cũng là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên bắt đầu sản xuất khẩu trang trong thời kỳ đại dịch, theo South China Morning Post, trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới trong vòng vài tháng.
Sự cạnh tranh của Tesla
Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, đã cười nhạo những chiếc xe của BYD trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011: “Tôi không cho rằng đây là một sản phẩm tiềm năng”.
Trái ngược với kỳ vọng của Musk, vào tháng 2/2024, BYD đã chính thức giành lấy “vương miện” của Tesla với tư cách là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới.
Sự việc này đã khiến Musk phải lên tiếng về những phát ngôn cũ của mình:”Chuyện đó cách đây nhiều năm rồi. Sản phẩm của họ giờ đáng gờm lắm”.
Tuy BYD hiện có giá trị khoảng 78 tỷ USD, nhưng đó chỉ bằng khoảng 1/10 giá trị thị trường của Tesla. Để phát triển doanh nghiệp, BYD đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy châu Âu đầu tiên tại Hungary. Các giám đốc điều hành cho biết họ muốn có 10% thị phần trên thị trường xe điện toàn cầu vào tháng 11 này. Điều đó có nghĩa doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng từ khoảng 240.000 xe trong năm nay phải lên hơn 2 triệu chiếc.
Tú Lê, người sáng lập công ty tư vấn thị trường Sino Auto Insight, cho rằng: “Nếu không có gì thay đổi thì trong 10 năm tới, BYD sẽ trở thành một thế lực thống trị toàn cầu.”
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/ty-phu-u60-xuat-than-mo-coi-tro-thanh-ceo-hang-xe-dien-duoc-vi-nhu-edison-khien-elon-musk-phai-ren-54643.html