“Quan điểm của tôi là sẽ luôn có thưởng Tết, vì phần nhiều người lao động là các bạn trẻ, tích lũy không có quá nhiều, gần như tháng nào tiêu hết tháng ấy“, anh Lê Việt Thắng – CEO 1Office – chia sẻ với chúng tôi.
“Trong khi Tết là tháng chi tiêu rất nhiều, các khoản chi sẽ vọt lên. Từ lúc khởi nghiệp tới giờ tôi luôn suy nghĩ như vậy, chỉ tiếc là chưa thưởng Tết bằng vài ba tháng lương được thôi”.
Công ty cung cấp nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office hiện 8 năm tuổi. Còn “đời khởi nghiệp” của CEO 1Office – Lê Việt Thắng đã kéo dài 12 năm, và có nhiều giai đoạn, như anh từng thừa nhận, chỉ còn “trên răng dưới ca tút”.
“Thưởng Tết như trả lương tháng, khó khăn mấy cũng không thể thiếu”
Nói về luật, anh Thắng khẳng định Bộ luật Lao động 2019 không quy định thưởng Tết, và các Giám đốc hoàn toàn có thể làm theo luật. Tuy nhiên, với quan điểm của riêng anh, thưởng Tết cho nhân viên giống như khoản lương hàng tháng, luôn nằm trong kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.
1Office hiện có 200 nhân sự, tăng trưởng doanh thu dự kiến ở mức 12%. Anh Thắng cho biết thưởng Tết năm nay của nhân viên công ty ít nhất là tương đương 1 tháng lương.
Trong điều kiện thua lỗ, liệu công ty có thưởng? Anh Thắng cho biết nếu một doanh nghiệp xác định chỉ khi có lãi mới thưởng Tết, tức doanh nghiệp này đợi đến tháng gần cuối mới thực hiện việc tìm nguồn tiền.
“Còn khi đã xác định kiểu gì cũng phải có thưởng Tết cho nhân viên thì ngay trong việc quản trị dòng tiền đã có phải tính toán, buộc phải tiết kiệm các khoản khác để có nguồn tiền cho thưởng Tết”.
“Cũng đừng để sát ngày mới đi tìm nguồn tiền, mà phải làm kế hoạch ngân sách từ đầu năm. Ví dụ tháng này, tôi sẽ làm lên kế hoạch ngân sách cho 2024. 100 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng“, anh Thắng chia sẻ.
Bản thân anh Thắng trong 12 năm khởi nghiệp cũng trải qua nhiều thăng trầm, nhưng anh cho biết mình chưa từng nợ lương hay không thưởng Tết cho anh em.
Ngay trong thời điểm khó khăn nhất với anh – năm 2011, khi chỉ còn 2 – 3 ngày nữa là Tết không thu hồi được nợ, anh cắm xe lấy tiền trả thưởng Tết cho nhân viên. Chia cho nhân viên xong, trong túi anh còn chừng 1,5 triệu đồng.
Nhân sự được nghỉ ngày 5/9 để đưa con đi khai giảng, nghỉ Tết từ 23 tháng Chạp bởi “năng suất lao động đâu do nghỉ ít hay nhiều”
1Office trước nổi tiếng với chính sách cho nhân viên nghỉ Tết từ 23 tháng Chạp để các nhân sự không ở Hà Nội, TPHCM có thể về quê sớm, tránh kẹt tàu xe, đồng thời có nhiều thời gian ở cạnh gia đình và mua sắm Tết.
Với các nhân viên không có nhu cầu về quê sớm, họ vẫn có thể đến công ty để… chơi game, chém gió, đánh bida hoặc tự do đi sắm Tết.
Chính sách này có từ tháng 1/2020. Anh Thắng cho biết hiện chính sách này vẫn còn hiệu lực.
“Nhiều người ra Hà Nội làm việc không còn dịp được ăn Tết ông Công, ông Táo, cho nên tôi quyết định cho nhân viên nghỉ. Từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch chúng tôi không chấm công nữa, nhân viên tự sắp xếp công việc, có thể về ăn Tết ông Công, ông Táo. Tất nhiên, khi có việc cần tự động xử lý. Sau khi thực hiện tôi thấy OK, các hoạt động của công ty không ảnh hưởng gì”.
“Thực ra chỉ có một vài bộ phận liên quan đến dịch vụ khách hàng buộc phải trực, chứ thời điểm đó chả ai bán, chả ai mua nữa, mà trước đó nhân sự cũng đã làm bù rồi“, anh Thắng cho biết.
Anh cũng cho rằng nên kéo dài thời gian nghỉ Tết đến 10 – 15 ngày. Anh bày tỏ quan điểm rằng năng suất lao động không nằm ở việc nghỉ ít hay nhiều, mà nằm ở cấu trúc xã hội, hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng của từng doanh nghiệp.
“Thống kê số ngày nghỉ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước. Bạn cứ hình dung, giao cho bạn A một công việc trong 10 ngày, nhưng thực tế trong 8 ngày bạn ấy cũng có thể sắp xếp hoàn thành được công việc đó“, anh Thắng nói.
Ngoài ra, nhân sự 1Office cũng có nhiều ngày nghỉ. Ví như khai giảng, bố mẹ sẽ được nghỉ 1 ngày để đưa con đến trường.
Hay như mỗi năm công ty sẽ có 5 ngày (thậm chí hơn) để tổ chức team building và tiệc công ty (tiệc cuối năm, tiệc sinh nhật…). Trong những dịp ấy, nhân viên vừa được đi du lịch, vừa được hưởng nguyên lương. Và ai không đi chơi cùng công ty, anh Thắng cho biết, sẽ không có lương.
Theo chia sẻ của anh Thắng, 1Office có 200 nhân sự, trong đó chừng 60% là GenZ. Thời gian gắn bó với công ty bình quân của nhân sự là 24 tháng/người, tỷ lệ nghỉ việc ở mức 5%, phần lớn bị cho nghỉ do không đạt yêu cầu công việc.
Theo An ninh Tiền tệ