“Chúng tôi thấu hiểu rằng những ngày cận Tết là thời điểm ‘tinh thần làm việc’ ở mức thấp nhất, đó là thời điểm ‘sự nói dối’ được đẩy lên cao trào khi các bạn thường ‘trốn’ công ty tranh thủ lượn lờ sắm Tết ở các nơi bằng một lý do hết sức hợp lý: ‘Đi gặp khách hàng'”.
“Chúng tôi muốn các bạn đàng hoàng đi sắm Tết, và hãy dành nhiều thời gian nhất cho gia đình, đặc biệt là cùng gia đình cúng ông Công ông Táo, điều mà có lẽ lâu rồi các bạn chưa được thực hiện…“
Đây là một phần nội dung thông báo nghỉ Tết của 1Office hồi đầu năm 2020, đánh dấu năm đầu tiên công ty áp dụng chính sách nghỉ Tết từ 23 tháng Chạp.
Anh Lê Việt Thắng – CEO 1Office – cho biết chính sách này đến nay vẫn còn hiệu lực. Sau 4 năm thực hiện, anh nhận thấy năng suất lao động không giảm. Thậm chí, nhân sự còn thoải mái hơn và làm việc khí thế hơn sau kỳ nghỉ.
Đề xuất nghỉ Tết 12 ngày, để người Việt thực sự “chơi Tết”, chứ không phải “vật lộn với Tết”
Từ kinh nghiệm của 1Office, anh Thắng cho rằng nên kéo dài thời gian nghỉ Tết để người Việt thực sự “chơi Tết”, chứ không phải “vật lộn với Tết”.
Thực tế, từng có lúc nhà sáng lập 1Office cho rằng nếu bỏ được một trong hai kỳ nghỉ Tết (Tết dương hoặc Tết âm), năng suất lao động sẽ tăng lên. Nhưng càng đi sâu vào quản trị, anh càng thấy không nên.
Theo anh, mọi xã hội, cộng đồng được hình thành và duy trì đều có nét văn hóa riêng. Ví như các nước phương Tây có kỳ nghỉ Noel và Tết Dương lịch khá dài. Khi làm việc cùng các đối tác này, thời gian ngưng trệ tới gần 1 tháng, trước Noel 1 tuần và sau Tết dương 1 tuần. Tuy họ nghỉ nhưng sắp xếp công việc từ trước, nên hiệu quả công việc vẫn đảm bảo.
Anh cũng đề xuất Tết Nguyên đán có thể nghỉ 12 ngày, nhiều hơn 5 ngày so với quy định hiện hành. Việc nghỉ Tết dài một mặt giúp người đi làm tái tạo sức lao động, mặt khác giúp kích cầu mua bán, du lịch.
“29 Tết mới nghỉ thì làm sao lo Tết được, khi ấy không phải là ‘chơi Tết’, mà là ‘vật lộn với Tết‘”, anh Thắng nêu ý kiến.
“Khi nhìn ra câu chuyện năng suất lao động không tỷ lệ thuận với ngày đi làm, thì việc nhân viên nghỉ nhiều sẽ không còn là vấn đề”.
Nhân viên 1Office bên cạnh các ngày nghỉ theo quy định chung (nghỉ Thứ Bảy – Chủ nhật và 12 ngày nghỉ phép năm), còn có 7 ngày “ăn chơi nhảy múa”, gồm 1 ngày sinh nhật công ty, 2 ngày nghỉ thêm ngày Tết Nguyên đán (nghỉ sớm 5 ngày việc và làm bù trước đó 3 ngày), nghỉ 3 ngày giữa năm, và 1 ngày nghỉ để cùng con dự ngày khai giảng.
4 yếu tố tăng năng suất lao động, người sếp phải biết làm phép CHIA
Bàn về năng suất lao động từ góc độ doanh chủ, anh Thắng nhìn nhận, năng suất lao động phụ thuộc vào 4 yếu tố. Cụ thể:
– Tư liệu sản xuất: Phương tiện thúc đẩy năng suất người lao động làm việc như máy móc, công nghệ…
– Có việc cho nhân viên: Khi có đủ lượng công việc cho nhân sự, hao hụt trong thời giờ làm việc của nhân sự sẽ ít đi. Ví như một bạn làm content chỉ được yêu cầu viết 3 bài/ngày, nhưng khả năng thực tế là viết được 10 bài/ngày chẳng hạn, nếu công ty đủ việc để họ viết 15 – 16 bài/ngày, năng suất của họ sẽ khác.
Tức, lượng công việc phải vượt qua mức chịu tải nhất định thì năng suất lao động sẽ tăng lên.
– Năng lực của nhân viên: Phải luôn đánh giá và đào tạo họ.
– Bài toán CHIA, tức chế độ, chính sách.
Anh Thắng cho biết đây là bài toán để thúc đẩy năng suất lao động. Nhân sự làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
“Chứ cứ thúc đẩy làm nhiều lên mà lương không tăng thì chẳng ai muốn làm cả. Đã CHIA thì phải công bằng, và cần thêm sự khích lệ. Ví như một nhân sự làm 10 việc thì được 10 đồng, làm 11 việc sẽ khích lệ thành 12 đồng chẳng hạn”.
“Bài toán CHIA này rất quan trọng. Và phải song hành với chuyện “Có việc” cho nhân viên. Khi ấy, năng suất lao động sẽ tăng“, anh Thắng nói.
Tình trạng kiểm soát ngày nghỉ của nhân viên, anh Thắng cho rằng là do doanh chủ mắc kẹt trong câu chuyện ngày công chính là năng suất lao động, dẫn đến nhìn nhận rằng cứ phải làm đủ ngày thì năng suất mới đủ. Anh khẳng định tư duy đó là sai lầm.
Theo An ninh Tiền tệ